Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có 5-10% người trưởng thành và 20- 30% trẻ em bị nhiễm cúm. Trong đó, khoảng 3-5 triệu có tiến triển bệnh rất nặng và khoảng 250.000-500.000 người tử vong vì bệnh cúm.
Con đường truyền bệnh
Con đường lây nhiễm đầu tiên và cũng dễ dàng nhất đó chính là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh khi chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… Hoặc là gia cầm khỏe nhưng đã mang virus A H5N1. Tiếp theo là do không thực hiện đúng các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: trứng, thịt, tiết canh và các chế phẩm khác là một sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chin. Cuối cùng đó là qua đường không khí: những giọt nước li ti từ những cái hắt hơi, dịch nhày mũi…chứa virus cúm lan truyền rất nhanh.
Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao
· Người chăn nuôi gia cầm, người chế biến gia cầm, người sống trong phạm vi vùng dịch cúm.
· Các đối tượng nhạy cảm và có sức đề kháng kém, như: trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi…
Các loại bệnh cúm A phổ biến
Cúm A (H1N1)
Triệu chứng bệnh cúm A (H1N1) giống như cúm mùa, như: sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy.
Cúm A (H1N1) mới gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong. Các triệu chứng hô hấp báo động bệnh trở nặng là: thở nhanh, có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, ngộp thở, tím môi hay đầu chi, lơ mơ. Cúm A (H5N1) còn gọi là cúm gia cầm. Đại dịch cúm A (H5N1) bắt đầu và bùng phát mạnh mẽ vào năm 2005, cho tới nay vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người; là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do virus cúm type A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Bệnh có diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân, do đó cần đặc biệt lưu ý khi ở vùng có nhiều gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) chết, lại xuất hiện những người có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, đau mỏi người…
Bệnh nhân sốt thành cơn hay sốt liên tục cả ngày, nhiệt độ có thể lên tới 40- 410C; cũng có trường hợp chỉ sốt nhẹ 38- 38,50C (thường xảy ra ở bệnh nhân có sức đề kháng kém, như: suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, có các bệnh mạn tính kèm theo). Biểu hiện: da nóng, đỏ (xuất hiện ở những bệnh nhân sốt cao); bệnh nhân thường có cảm giác đau đầu, đau mỏi khắp người, có thể thấy đau quanh hốc mắt; bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng, rối loạn ý thức, dẫn đến tử vong.
Cúm A (H7N9)
Đến nay, hầu hết các bệnh nhân nhiễm cúm A (H7N9) bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Phần lớn các trường hợp không thể xác định được nguồn lây nhiễm. Virus không được tìm thấy ở gia cầm, chim bồ câu cũng như môi trường chung quanh ở những khu vực có người bị nhiễm và thực sự, đường lây chính của virus hiện cũng chưa được rõ. Bởi vì virus này không gây triệu chứng lâm sàng ở gia cầm nên thật khó để xác định chúng lây sang người như thế nào. Có một số trường hợp mắc bệnh theo từng nhóm người (cùng ở chung phòng, cùng vị trí làm việc, cùng cơ quan, trường học, thời gian ủ bệnh và xuất hiện triệu chứng giống nhau nhưng dường như virus H7N9 rất khó lây từ người sang người và vấn đề này hiện vẫn đang được nghiên cứu để xác định rõ.
Cách phòng tránh cúm A
1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và khi đi vào vùng dịch hay khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân.
2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc (hãy sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng); không sử dụng các loại thịt, trứng từ các loại gia cầm đã bị ốm, chết. Ăn chín, uống sôi chính là cách bảo vệ cơ thể bạn khỏi sự tấn công của virus, vi khuẩn.
3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
5. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Đăng ký Khám hẹn giờ hoặc có bất cứ thắc mắc xin vui lòng liên hệ số CSKH bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai. 0949620079.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai