Trong đợt Tết vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã phẫu thuật cứu sống một trẻ sơ sinh có bệnh cảnh đặc biệt nguy kịch. Cụ thể, ngày 27 tháng 1 năm 2025 (tức ngày 28 Tết) bệnh viện tiếp nhận một bé sơ sinh nam 3 ngày tuổi, địa chỉ tại thành phố Biên Hoà, được chuyển viện tới do bỏ bú, ói dịch vàng và chướng bụng. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định bệnh nhi có tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc do thủng đường tiêu hoá và kèm xoắn ruột và có chỉ định mổ cấp cứu khẩn.
Bệnh nhi được hồi sức tích cực với sự tham gia của các bác sĩ trực cấp cứu và bác sĩ hồi sức sơ sinh và được thực hiện phẫu thuật sau 2 giờ nhập viện. Hình ảnh lúc mổ cho thấy dịch tiêu hoá tràn khắp ổ bụng, toàn bộ ruột non xoắn một vòng khiến ruột tái nhẹ do thiếu máu; đặc biệt dạ dày bệnh nhi vỡ một lỗ lớn 4 cm ở mặt trước. Ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện khâu lại chỗ vỡ dạ dày, tháo ruột bị xoắn và xếp lại ruột; đồng thời hút hết dịch tiêu hoá và rửa sạch bụng cho bệnh nhi. Cuộc mổ kéo dài 70 phút.
Hình ảnh bệnh nhi đươc phẫu thuật thành công (hình ảnh đã được cho phép từ thân nhân bệnh nhi)
Bệnh nhi tiếp tục được hồi sức sau mổ với thở máy, dùng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải và sử dụng kháng sinh. Tình trạng bệnh nhi tốt dần sau mổ: được ngưng thuốc vận mạch và cai máy thở vào ngày thứ 5 sau mổ, bắt đầu ăn lại vào ngày thứ 7 và hiện tại bệnh nhi đang được tập bú sữa mẹ và chờ xuất viện về với gia đình.
Theo ThS.BsCKII.Chu Văn Lai – Phụ trách Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cũng là trưởng ê-kíp mổ: xoắn ruột là tình trạng gần như toàn bộ ruột non bị xoắn quanh mạch máu nuôi của chính nó khiến cho ruột nằm trong khối xoắn bị thiếu máu; còn vỡ dạ dày là khi thành dạ dày bị thủng một lỗ lớn (thường từ 3 – 4 cm) khiến cho dịch tiêu hoá tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Cả hai bệnh đều rất hiếm gặp và một bệnh nhi bị cả hai bệnh như vậy là rất hy hữu với chỉ có một số ít trường hợp được báo cáo trên y văn thế giới. Tuy nhiên, đây lại là các bệnh nặng có thể dẫn đến mất toàn bộ ruột non, sốc nhiễm trùng nhiễm độc và tử vong trong gần 50% số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời.
ThS.BsCKII.Chu Văn Lai chia sẻ: “Khi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng sốc nặng và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu, chúng tôi đã xác định khả năng cứu sống bệnh nhi là không cao, điều này cũng đã được thông tin đến gia đình bệnh nhi. Nhưng có điều may mắn là chúng tôi đã chẩn đoán cả hai bệnh trước mổ một cách chính xác, nhanh chóng và đã có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật từng bệnh riêng lẻ; từ đó khiến cuộc mổ diễn ra thuận lợi theo kế hoạch, xử lý được cả hai bệnh với thời gian mổ ngắn. Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ hồi sức sơ sinh trước mổ, gây mê sơ sinh và hồi sức sơ sinh sau mổ rất chuyên nghiệp, có chuyên môn cao của bệnh viện cũng hỗ trợ rất nhiều để góp phần cứu sống bệnh nhi.”
“Khi được đồng nghiệp báo tình trạng bệnh nhi tốt lên qua từng ngày, đặc biệt là khi trực tiếp thăm khám bệnh nhi sau những ngày nghỉ Tết, bản thân tôi rất vui vì đã góp phần cùng các đồng nghiệp khác đã cứu sống bệnh nhi. Đây như một món quà đầu xuân gửi đến gia đình và bệnh nhi cũng như toàn thể đội ngũ y bác sĩ đã tham gia điều trị.” – ThS.BsCKII.Chu Văn Lai bộc bạch.
Qua trường hợp này, ThS.BsCKII.Chu Văn Lai cũng nhắn nhủ đến gia đình có trẻ trong độ tuổi sơ sinh rằng nếu thấy con mình bỏ bú, ói dịch vàng, bụng chướng thì nên đưa con tới bệnh viên nhi ngay để được tầm soát các bệnh ngoại khoa liên quan đến đường tiêu hoá.
Phòng Công Tác Xã hội Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai