Theo BS Quyền, tại Khoa Bệnh Nhiệt đới hiện có 8 bệnh nhi đang điều trị bệnh Sốt xuất huyết, bệnh có tăng hơn những tháng đầu năm. Tuy nhiên, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao hơn khi bước vào mùa mưa vì đây là thời điểm thuận lợi cho các loại côn trùng truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính do muỗi vằn gây ra; tốc độ lây lan nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết ồ ạt, trụy tim mạch,… Bệnh thường khởi phát với sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, kèm theo các triệu chứng như: chán ăn, quấy khóc, nôn trớ, da xung huyết. Bệnh trở nặng hơn (hay còn gọi là chuyển độ) khi trẻ có thêm các dấu hiệu: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, nôn ói nhiều, xuất huyết nặng (chảy máu chân răng, tiêu ra máu). Hiện nay, bệnh Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa, nên việc phòng bệnh là vấn đề cần được quan tâm; chủ yếu là diệt lăng quăng và phòng ngừa muỗi đốt. BS Quyền còn hướng dẫn cho các bậc phụ huynh cách theo dõi và chăm sóc khi trẻ được chẩn đoán là bệnh Sốt xuất huyết như: hạ sốt bằng cách lau mát cho trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol. Lưu ý các bậc phụ huynh tuyệt đối không dùng Aspirin hoặc Ibuprofen; nên cho trẻ uống nhiều nước (nước trái cây hoặc dung dịch Oresol); cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, tránh những thức ăn hay nước uống có màu nâu đỏ (khó phân biệt khi trẻ bị xuất huyết tiêu hóa)…
Buổi truyền thông đã giúp cho các bậc phụ huynh có những kiến thức cơ bản trong việc chủ động phòng tránh, nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh Sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Thuỳ Dung – Phòng CTXH