Quinolon là nhóm kháng sinh phổ rộng có tác dụng tốt trên trực khuẩn Gram (-) đường ruột, Gram (+), vi khuẩn không điển hình và trực khuẩn mủ xanh. Cơ chế tác dụng là ức chế ADN gyrase ngăn cản sự tổng hợp ADN của vi khuẩn.
Ngoài ra còn tác dụng lên cả mARN ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn. Nên quinolon đều là thuốc diệt khuẩn. Tuy nhiên các quinolon có khác nhau tương đối về tác động trên enzym đích nên phổ kháng khuẩn có sự khác biệt nhất định (Bảng 1)
Bảng 1: Phân loại kháng sinh nhóm quinolon[1,2]
Thế hệ |
Kháng sinh |
Phổ kháng khuẩn |
1 |
Acid nalidixic Cinoxacin |
Trực khuẩn (-)Enterobacteriace |
2 |
Lomefloxacin Norfloxacin Enoxacin Ofloxacin Ciprofloxacin |
Trực khuẩn (-) Enterobacteriace Vi khuẩn không điển hình P. aeruginosa |
3 |
Levofloxacin Sparfloxacin Gatifloxacin |
Trực khuẩn (-) Enterobacteriace Vi khuẩn không điển hình P. aeruginosa Gram (+) |
4 |
Trovafloxacin Moxifloxacin |
Trực khuẩn (-) Enterobacteriace Vi khuẩn không điển hình P. aeruginosa Gram (+): MSSA, streptococci Vi khuẩn kị khí |
Cảnh báo từ Cục quản lý Dược
Năm 2016, Cục Quản lý Dược đã đưa ra công văn số 24812/QLD – TT khuyến cáo các tác dụng phụ nghiêm trọng có liên quan đến các thuốc kháng sinh nhóm quinolon đã lớn hơn lợi ích mà thuốc đem lại ở các bệnh nhân viêm xoang, viêm phế quản và nhiễm khuẩn đường niệu không biến chứng khi có các lựa chọn điều trị khác. Đến năm 2017, Cục Quản lý Dược bổ sung công văn số 5748/QLD – TT về việc thay đổi nhãn thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng, yêu cầu chỉ nên sử dụng thuốc chứa kháng sinh nhóm flouroquinolon dùng đường toàn thân cho nhóm bệnh nhân trên khi không có lựa chọn điều trị khác thay thế. Đồng thời bổ sung các thông tin liên quan phản ứng có hại có khả năng không hồi phục và gây tàn tật bao gồm viêm gân, đứt gân, bệnh lý thần kinh ngoại biên và các tác dụng bất lợi trên hệ thần kinh trung ương (ảo giác, lo âu, trầm cảm, mất ngủ, đau đầu nặng và lú lẫn). Các phản ứng này có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. Bệnh nhân ở bất kỳ tuổi nào hoặc không có yếu tố nguy cơ tồn tại từ trước đều có thể gặp những phản ứng có hại trên.
Cảnh báo từ EMA, FDA
Đến tháng 11/2018, cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) khuyến cáo không sử dụng quinolon cho các trường hợp nhiễm khuẩn có thể cải thiện khi không cần điều trị hoặc các loại nhiễm khuẩn không nghiêm trọng (viêm họng,…), dự phòng tiêu chảy du lịch, nhiễm khuẩn đường niệu dưới tái phát (không lan tới bàng quang), bệnh nhân có tiền sử mắc phản ứng có hại nghiêm trọng khi sử dụng kháng sinh fluoroquinolon hoặc quinolon, các nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình nặng trừ khi các kháng sinh được khuyến cáo phổ biến khác không được sử dụng.
Thận trọng trên các đối tượng [6]: |
- Người cao tuổi - Bệnh thận - Ghép tạng - Điều trị bằng corticoid đường toàn thân |
Đến ngày 20/12/2018 cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ cảnh báo bệnh nhân sử dụng kháng sinh quinolon có thể làm tăng nguy cơ vỡ động mạch chủ (dù hiếm khi xảy ra) nhưng có thế gây xuất huyết nghiêm trọng dẫn đến tử vong.[7]
Trong chương trình tăng cường quản lý, sử dụng kháng sinh hiệu quả, việc lựa chọn kháng sinh thích hợp là điều hết sức quan trọng để làm giảm tác dụng có hại và nguy cơ đề kháng kháng sinh. Khuyến cáo được đưa ra là quinolon không phải là lựa chọn đầu tay để điều trị hầu hết các loại bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em nếu như có các lựa chọn thay thế khác có hiệu quả tương đương và an toàn hơn. Quinolon có thể là lựa chọn phù hợp cho các nhiễm khuẩn nặng, có biến chứng hoặc phối hợp trong điều trị vi khuẩn kháng thuốc, tuy nhiên cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ hiếm gặp trên bệnh nhân.
Khuyến cáo chỉ định quinolon đường toàn thân: |
- Viêm xoang - Viêm phế quản - Nhiễm khuẩn đường tiết niệu Khi không có lựa chọn khác. |
Nhân viên y tế cần hướng dẫn bệnh nhân theo dõi các tác dụng phụ của thuốc, ngừng sử dụng và tái khám ngay khi có những triệu chứng đầu tiên của các phản ứng phụ nguy hiểm xuất hiện như viêm gân, đứt gân, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, sưng khớp, thần kinh ngoại biên và các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Cần thêm dữ liệu cũng như tăng cường báo cáo phản ứng có hại của thuốc để đánh giá kỹ hơn các lợi ích nguy cơ để có khuyến cáo cụ thể cho cán bộ y tế về việc kê đơn quinolon.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn sử dụng kháng sinh, tr. 32 – 33
2. Trần Thị Thu Hằng (2013), Dược lực học (17), NXB Phương Đông, tr. 721 – 727
3. Goldman, J. A., & Kearns, G. L. (2011). Fluoroquinolone use in paediatrics: focus on safety and place in therapy. World Health Organization, Geneva, Switzerland.
4. Cục Quản lý Dược (2016), Công văn số 24812/QLD – TT
5. Cục Quản lý Dược (2017), Công văn số 5748/QLD – TT
6. https://www.ema.europa.eu/en/news/disabling-potentially-permanent-side-effects-lead-suspension-restrictions-quinolone-fluoroquinolone. Ngày truy cập 15/10/2019
7. https://www.fda.gov/drugs/drug-safety-and-availability/fda-warns-about-increased-risk-ruptures-or-tears-aorta-blood-vessel-fluoroquinolone-antibiotics?fbclid=IwAR3cycTbaV7mPnuZOG5kB9y2gQxYOgQwPoncDd7fJAfn0T
00vGaegBzGN88 Ngày truy cập 15/10/2019
8. https://www.gov.uk/drug-safety-update/fluoroquinolone-antibiotics-new-restrictions-and-precautions-for-use-due-to-very-rare-reports-of-disabling-and-potentially-long-lasting-or-irreversible-side-effects Ngày truy cập 15/10/2019