Ngày Thị giác thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 với mục đích nâng cao nhận thức của toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực và việc phục hồi các chức năng thị giác. Đây là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) nhằm nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt và chữa trị cho các bệnh nhân bị khiếm thị.
Ngày Thị giác Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày thứ Năm tuần thứ hai của tháng 10. Năm nay, là ngày 10/10/2024 với chủ đề: “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe mắt trẻ em, giúp trẻ cơ hội yêu thương đôi mắt của mình.
Hưởng ứng ngày Thị giác thế giới, hôm nay 14/10/2024 tại Khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Phòng Công tác xã hội - Quan hệ công chúng đã tổ chức buổi Truyền thông chuyên đề: “Phòng tránh các bệnh về mắt” cho tất cả thân nhân bệnh nhi có trẻ đang điều trị tại khoa. Báo cáo viên: BS.CK1 Nguyễn Văn Tiến
Quang cảnh buổi truyền thông tại Khoa Liên chuyên khoa
Trong buổi truyền thông bác sĩ Tiến chia sẻ về 3 nội dung chính:
- Các bệnh mắt hay gặp ở trẻ em
- Dấu hiệu sớm các bệnh mắt hay gặp
- Nguyên nhân và cách phòng bệnh
Bác sĩ nhấn mạnh, đôi mắt là cơ quan rất quan trọng là một trong những cơ quan biểu cảm của con người (đôi mắt là cửa sổ tâm hồn). Cơ quan này là một bộ phận của não bộ ví giống như đôi tay của não bộ.
Cấu tạo của mắt: Cơ bản gồm 3 phần chính: Mi và phần phụ, Nhãn cầu, Thần kinh dẫn truyền của mắt.
Là cơ quan nhỏ cấu tạo phức tạp mỗi cấu trúc đều có chức năng riêng, mỗi cấu trúc của mắt lại có một bệnh học riêng biệt khác nhau. Với việc khám và điều trị mắt đòi hỏi chuyên môn và dụng cụ chuyên dụng. Vì vậy, chúng ta lưu ý khi trẻ nhỏ hoặc người lớn gặp vấn đề về mắt thì nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám và điều trị cho kịp thời, an toàn và hiệu quả. Tránh những trường hợp điều trị theo lời đồn, mẹo của dân gian vì mình có thể làm không đúng sẽ gây nguy hại thêm cho mắt và trường hợp nặng sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa.
Hiện nay, Trẻ đi học thường hay gặp một số các bệnh về mắt như:
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ): là tình trạng nhiễm trùng mắt (thường gặp do virus hoặc vi khuẩn gây ra) hoặc do nguyên nhân dị ứng của kết mạc với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. ❇️ Nguyên nhân Viêm kết mạc (đau mắt đỏ):
Virus: khiến trẻ bị đau mắt đỏ kèm theo các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh.
Vi khuẩn: mắt trẻ có một chất xám vàng, dày khiến cho mí mắt sưng lên hoặc dính lại với nhau. Một số vi khuẩn thường gây hiện tượng này là vi khuẩn: liên cầu tụ cầu phế cầu ...
Dị ứng: mắt trẻ có cảm giác bị đau và sưng lên như có nước bên trong và đỏ ngầu kèm theo các hiện tượng chảy nước mũi. Một số chất có thể gây dị ứng cho trẻ như bụi, phấn hoa, khói...
Một số chất kích thích khác: mắt trẻ dễ bị kích ứng từ khói thuốc, lượng clo có trong nước của bể bơi.
Nhận biết bệnh đau mắt đỏ: Mi mắt sưng, mắt nhìn đỏ, chảy nước mắt, chảy ghèn mắt.
⛑️ Xử trí và phòng bệnh:
- Khám chuyên khoa mắt.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.
- Vệ sinh mắt tránh dụi mắt.
- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc mắt bị bệnh tránh lây lan bệnh, vệ sinh cá nhân tốt.
Các việc nên tránh khi trẻ bị đỏ mắt:
Tự mua thuốc nhỏ
Tự điều trị: nhỏ mắt bằng sữa mẹ, đắp lá, chữa mẹo, vì có thể làm bệnh nặng hơn bình thường.
Tránh đưa trẻ đến nơi đông người: bể bơi công cộng,nên cho trẻ nghỉ học ở nhà trong những ngày bệnh cấp tính nặng.
Viêm nhiễm mi mắt: Viêm bờ mi là tình trạng viêm ảnh hưởng đến mí mắt.
❇️Nguyên nhân thường do vi khuẩn,nấm, kí sinh trùng,dị ứng.
Nhận biết: Chảy nước mắt,mắt đỏ,có cảm giác sạn trong mắt,mí mắt xuất hiện rử,ngứa mí mắt,sưng đỏ mí mắt, bong da quanh mắt,cặn lông mi khi tỉnh dậy,nhạy cảm với ánh sáng, lông mi mọc bất thường (sai địa chỉ lông mi), rụng lông mi.
⛑️ Xử trí và phòng bệnh: Khám chuyên khoa mắt,sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa mắt,vệ sinh mắt tránh dụi mắt,vệ sinh cá nhân tốt,vệ sinh môi trường,sử dụng nguồn nước sạch.
Bệnh khúc xạ mắt: Bệnh khúc xạ mắt trẻ em hay bệnh mắt học đường hiện nay đang ngày càng gia tăng, tỉ lệ đeo kính ở trẻ ngày một nhiều hơn. Tật khúc xạ trẻ em là sự rối loạn dẫn truyền ánh sáng của mắt bao gồm Mắt cận thị,Mắt viễn thị, Mắt loạn thị.
Mắt cận thị: Ảnh vật nhìn thấy hội tụ trước võng mạc, nhìn vật gần rõ nhìn xa mờ. Mắt viễn thị: Ảnh vật mắt nhìn hiện sau võng mạc, nhìn vật xa gần đều mờ. Mắt loạn thị: Ảnh vật nhìn thấy phân thành nhiều ảnh nhòe mờ, nhìn các vật bị mờ và nhòe đi.
Để điều trị tật khúc xạ trẻ nên khám chuyên khoa mắt đo kính thuốc đúng độ. Dấu hiệu nhận biết mắt trẻ bị tật khúc xạ: trẻ hay than nhìn mờ,hay nhìn vật thật gần,nheo mắt,nhức mỏi mắt, hay bị nhức đầu...
⛑️ Phòng bệnh khúc xạ mắt cho trẻ:Khi trẻ học tập làm việc nên để mắt được nghỉ ngơi, không làm việc liên tục quá lâu, nên để mắt nghỉ ngơi, nhìn ra phía xa 1 đến 2 phút sau khi làm việc khoảng 20 phút. Sau khoảng 45 phút học tập trẻ nên nghỉ ngơi, vui chơi, vận động tránh ngồi đọc truyện, nhìn điện thoại lâu... Cho trẻ học trong phòng đủ sáng, ăn uống đủ dưỡng chất cho mắt.
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, đôi mắt là cuộc sống hiện tại và tương lai của các em. Chăm sóc, bảo vệ đôi mắt trẻ em là trách nhiệm của chúng ta bắt đầu những hành động nhỏ từ hôm nay. Bác sĩ Tiến cũng thay mặt khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chúc các cháu có đôi mắt trong sáng và khi người nhà có nhu cầucầný kiến tham vấn xin đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi, luôn sẵn lòng chào đón quý vị phụ huynh!
Hiện Khoa Mắt tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đang thực hiện thăm khám và điều trị cho tất cả các bệnh nhi có bệnh lý về Mắt cũng như nhiều bệnh lý ở trẻ khác. Quý phụ huynh quan tâm có thể đưa bé đến khám vào tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến Chủ nhật.
Lịch khám chuyên khoa Mắt tất cả các ngày trong tuần đăng ký khám tại Khu C – Khoa Khám bệnh Cấp cứu hoặc Khu H – Khoa Khám bệnh & Điều trị trong ngày. Ngoài ra, quý phụ huynh đăng ký khám hẹn giờ khám trước qua Hotline 0949620079 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trong giờ hành chánh để được hỗ trợ đăng ký khám Chuyên khoa Mắt trực tiếp
_Mạc Yến_