Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em hàng năm ở Việt Nam và trên thế giới. Theo thống kê của Cục Trẻ em, tử vong do đuối nước ở nước ta trong năm 2021 là 1990 trẻ,đây là một con số rất lớn và là một điều rất đáng tiếc
Theo Viện Chiến Lược và Chính Sách Y Tế cho biết tử vong do ngạt nước chiếm tỉ lệ 59% các tai nạn ở trẻ em. Nguyên nhân ngạt nước chủ yếu ở trẻ là do té ngã xuống ao hồ, tắm sông hoặc đâm đầu vào các lu, khạp, xô đựng nước.
SƠ CỨU TRẺ BỊ NGẠT NƯỚC NHƯ THẾ NÀO?
- Gọi thêm người đến hỗ trợ cấp cứu và gọi trung tâm cấp cứu lưu động.
- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước. Giữ đầu thấp hơn ngực để giảm lượng nước hít vào phổi.
- Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Cởi bỏ quần áo ướt, quấn trẻ lại với khăn khô hoặc mền để tránh mất nhiệt.
- Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ ngưng thở:
* Nên nhớ “thời gian cấp cứu tính bằng giây”.
* Nhanh chóng làm thông thoáng đường hô hấp (cho trẻ nằm đầu hơi ngửa, lấy dị vật ở miệng do trẻ nuốt) và tiến hành hồi sức cơ bản ngay với 2 hơi thổi ngạt, sau đó tiếp tục với 30 lần ấn ngực và 2 lần thổi ngạt, lập lại đến khi trẻ hồi phục hoặc nhân viên cứu hộ tới.
* Nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ phải cố định cột sống cổ (tránh ngửa đầu) cho đến khi loại trừ.
* Hồi sức cơ bản phải được tiến hành tiếp tục trên đường vận chuyển.
+ Nếu trẻ còn tự thở:
* Hãy đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên, đầu hơi ngửa để chất nôn dễ thoát ra ngoài.
* Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên trẻ tấm chăn hoặc khăn khô.
- Tất cả những trẻ ngạt nước cần phải được đưa đến cơ sở y tế điều trị và phát hiện biến chứng kịp thời.Vì sau khi bị ngạt nước , trẻ có thể bị viêm phổi.
NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM
- Không nên lôi trẻ quá xa vì làm mất thời gian cấp cứu.
- Không nên xốc nước vì lượng nước chảy ra khi xốc nước không phải từ phổi mà từ đường tiêu hóa, lượng nước vào phổi rất ít. Hành động xốc nước không giúp ít gì cho trẻ mà còn làm chậm thời gian sơ cứu.
- Không nên hơ lửa, lăn lu vì dễ làm bỏng trẻ, gây dãn mạch làm giảm tưới máu cơ quan và mất thời gian cấp cứu.
CHÚNG TA LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRẺ BỊ NGẠT NƯỚC?
- Không để trẻ nhỏ ở nhà 1 mình.
- Đậy kín các vật chứa nước trong nhà.
- Không cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông, rạch...
- Không cho trẻ bị động kinh tắm sông, hồ, bơi lội.
- Cần cho trẻ mặc áo phao khi xuống hồ bơi hoặc khi ở trên tàu thuyền. Lưu ý kích thước áo phao phải vừa vặn với trẻ.
- Luôn có người lớn giám sát khi trẻ có hoạt động liên quan đến nước.
- Cần hướng dẫn trẻ tập bơi đúng cách.
- Bạn và những người xung quanh cần biết Kỹ năng sơ cứu hồi sức tim phổi khi có trẻ bị ngạt nước.