DS.CKI Phạm Việt San

Bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm, nhiễm trùng chủ yếu do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh bạch hầu dễ lây lan từ người này qua người khác qua đường hô hấp và có những biểu hiện dễ nhầm với cảm lạnh nên phải hết sức cẩn thận khi gặp những biểu hiện này. Bài viết sau đây cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh bạch hầu để có biện pháp chủ động phòng ngừa tốt hơn.
 
   Bệnh bạch hầu (Diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,…). Đây là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu.
   Vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học Corynebacterium diphtheria thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra; có hình dạng thẳng hoặc hơi cong, không di động, không có vỏ, không sinh nha bào, bắt màu nhuộm Gram dương. Vi khuẩn có 3 dạng: Gravis, MitisIntermedius. Các dạng khác nhau về hình thể, tính chất sinh hóa nhưng giống nhau ở khả năng sinh độc tố.
   Lây truyền
   Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày hoặc có thể lâu hơn. Nguồn truyền bệnh là ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh lẫn người lành mang vi khuẩn. Người lành mang vi khuẩn từ vài ngày đến 3 - 4 tuần, rất hiếm trường hợp đến 6 tháng.
   Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất tiết của người nhiễm vi khuẩn.
   Thời kỳ lây bệnh có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Vi khuẩn được người bệnh đào thải từ thời kỳ khởi phát hoặc có thể từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác, tốc độ lây truyền rất nhanh.
   Triệu chứng lâm sàng
   Bệnh khởi đầu như đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản hoặc như bệnh nhiễm trùng da. Sau đó, bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh.
   Ở bệnh bạch hầu mũi (chiếm 4 - 12%): Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy, đôi khi có lẫn máu, một mùi hôi có thể cảm nhận được, nếu nhìn kỹ sẽ thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố ít thâm nhập vào máu.
   Ở bệnh bạch hầu họng - Amydale (chiếm 40 - 70%): Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 1 - 3 ngày hình thành màng giả mạc dai và dính chắc vào amidale hoặc có thể bao phủ cả vùng hầu họng, dễ chảy máu, giả mạc có màu trắng ngà/ trắng xanh, xám hoặc đen.
   Ở bệnh bạch hầu thanh quản (chiếm 20 - 30%): Biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khan tiếng, ho ông ổng. Giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống, bệnh nhân khó thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Nếu không xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
   Biến chứng
   Tắc nghẽn đường hô hấp: Do chẩn đoán và điều trị muộn nên màng giả mạc lan rộng và dày làm tắc đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
   Viêm cơ tim: Có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10 - 25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50 - 60%. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thông thường tiên lượng là xấu.
   Biến chứng thần kinh: Thường xuất hiện muộn hơn. Liệt khẩu cái cả hai bên và thường liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi gà vào tuần thứ 3; liệt cơ vận nhãn thường xuất hiện vào tuần thứ 5, nhưng cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu, đây là nguyên nhân gây cho bệnh nhân nhìn mờ và lác. Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành thường vào tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Liệt các chi hoàn toàn nhưng hiếm gặp. Hầu hết các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
   Điều trị
   Nguyên tắc điều trị: Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và các kháng sinh ngay khi phát hiện bệnh để ngăn chặn các biến chứng, giảm tử vong. Theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng.
   Điều trị trung hòa độc tố bằng SAD (Serum anti diphterique):
   Bạch hầu họng hoặc thanh quản trong 2 ngày đầu: 20.000 - 40.000 IU.
   Bạch hầu mũi họng: 40.000 - 60.000 IU.
   Bạch hầu ác tính: 80.000 - 100.000 IU.
  Trong thể nặng có thể xem xét truyền tĩnh mạch SAD: Pha toàn bộ SAD trong 250 – 500 ml NaCl 0,9%, truyền tĩnh mạch chậm 2 - 4 giờ. Theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ.
   Điều trị loại bỏ vi khuẩn bằng kháng sinh:
   Penicilin G: 50.000 - 100.000 IU/kg/ngày chia 2 lần, tiêm bắp 14 ngày đến khi hết giả mạc.
   Hoặc Erythromycin (uống): Trẻ em 30 - 50 mg/kg/ngày; Người lớn 500 mg × 4 lần/ ngày. Uống 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
Hoặc Azithromycin (uống): Trẻ em 10 - 12 mg/kg/ngày; Người lớn 500 mg/ngày. Uống 14 ngày cho đến khi hết giả mạc.
   Hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chưa có SAD trung hòa độc tố bạch hầu, hầu hết các kháng sinh điều trị đều có tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, riêng Penicilin có dạng tác dụng kéo dài dùng đường tiêm bắp (Benzathin Benzylpenicilin).

   Các biện pháp hỗ trợ khác: Hỗ trợ hô hấp; hỗ trợ tuần hoàn; cân bằng điện giải; lọc máu liên tục đối với bệnh nhân suy đa tạng hoặc suy thận nếu có chỉ định; sử dụng corticoid trong trường hợp bạch hầu ác tính, bạch hầu thanh quản có phù nề nhiều;. . .
   Phòng bệnh
   Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
   Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
   Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.
   Phòng bệnh bằng vắc-xin bạch hầu: Trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2 - 3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1 ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.
Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày
   - Tiêm 1 liều đơn Benzathin penicilin (trẻ ≤ 5 tuổi 600.000 IU; trẻ > 5 tuổi 1.200.000 IU).
   - Hoặc uống Erythromycin: Trẻ em 40 mg/kg/ngày, người lớn 1g/ngày. Chia 4 lần/ngày, uống 7 ngày.
   - Hoặc Azithromycin: Trẻ em 10-12 mg/kg, tối đa 500 mg/ngày. Người lớn: 500mg/ngày. Uống 1 lần/ngày, trong 7 ngày.
Bảng 1: Một số vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu có tại BV Nhi đồng Đồng Nai

Loại vắc xin

Vắc xin 6 trong 1

Vắc xin 5 trong 1

Vắc xin 4 trong 1

Vắc xin 3 trong 1

Vắc xin 2 trong 1

Tên vắc xin/ xuất xứ

Hexaxim (Pháp);Infanrix Hexa (Bỉ)

Combe Five (Ấn Độ); SII (Ấn Độ)

Tetraxim (Pháp)

Boostrix (Bỉ)

Td (Việt Nam)

Phòng bệnh

Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B, Hib.

Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Hib.

Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt.

Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván.

Bạch hầu, Uốn ván.

Đối tượng

Trẻ 2 - 24 tháng.

Trẻ 2 - 24 tháng.

Trẻ 2 tháng - 13 tuổi.

Trẻ trên 4 tuổi, người lớn.

Trẻ từ 7 tuổi, người lớn.

Lịch tiêm

4 mũi: 2, 3, 4 hoặc

2, 4, 6 tháng tuổi; 16 - 18 tháng tuổi.

5 mũi: 2, 3, 4 hoặc 2, 4, 6 tháng tuổi; 16 - 18 tháng tuổi; 4 - 6 tuổi.

3 mũi: 2 mũi bổ sung vào 1 và 6 tháng sau mũi đầu tiên.

Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

   Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh Bạch hầu là một trong những bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Tuy nhiên sau 6 tuổi, đa số người dân có tâm lý chủ quan và không quan tâm đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Do đó, để phòng bệnh hiệu quả nhất thì theo khuyến cáo của bác sĩ, mọi người dân đặc biệt là trẻ nhỏ cần tiêm vắc-xin đủ liều theo lịch và nên tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.


   TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
2. Trang web của Cục Y tế dự phòng: http://vncdc.gov. vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1084/benh-bach-hau

Chỉnh sửa lần cuối vào Thursday, 10 December 2020 14:46
Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Xem 1719 lần
Bệnh Viện Nhi Đồng Đồng Nai

Tập thể nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, và chuyên môn cao sẵn sàng phục vụ các bệnh nhi.

Mọi thông tin xin liên hệ:
Số điện thoại: 02513.891500 - Nhánh 151

LIÊN KẾT

     

      

benhvien8