Ở trẻ sơ sinh, xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường được gây ra do thiếu Vitamin K do dự trữ Vitamin K trước sinh không đủ vì chỉ có một lượng nhỏ đi qua nhau thai từ mẹ, kết hợp với Vitamin K trong sữa mẹ thấp[1,4].
Vitamin K cần thiết cho sự tổng hợp các yếu tố II (prothrombin), VII, IX và X. Sữa mẹ chỉ chứa một lượng nhỏ Vitamin K (1 – 9 mcg/L), sữa công thức (53-66 mcg/L)[2].
Tỷ lệ xuất huyết do thiếu Vitamin K (vitamin K deficiency bleeding - VKDB) được báo cáo thay đổi từ 1,5% đến 0,001% tùy thuộc vào dân số được nguyên cứu và chế độ ăn uống[2].
Các hướng dẫn thực hành lâm sàng về sử dụng vitamin K để điều trị dự phòng cho trẻ sơ sinh đã được hiệp hội Nhi khoa Canada và hiệp hội Bác sĩ gia đình Canada ban hành vào tháng 10 năm 2018
Sử dụng thường quy vitamin K cho trẻ sơ sinh tiếp tục được Hiệp hội Nhi khoa Canada khuyến cáo để ngăn ngừa xuất huyết do thiếu vitamin K. Vitamin K đường tiêm bắp (IM) được ưu tiên hơn so với đường uống (PO).
Khuyến cáo thực hành tốt nhất là tất cả trẻ sơ sinh nhận được một liều vitamin K tiêm bắp thường quy trong vòng 6 giờ đầu sau khi sinh với liều lượng như sau:
- 0,5 mg cho trẻ có cân nặng từ 1500 g trở xuống hoặc
- 1 mg cho trẻ sơ sinh nặng hơn 1500 g.
Tại Việt Nam dự phòng xuất huyết do thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ[5]:
- Tiêm vitamin K1 liều 1 mg, tiêm bắp cho tất cả trẻ ngay sau sinh. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy hoặc vàng da kéo dài cần tiêm liều nhắc lại sau 1 tháng.
- Tuyên truyền bà mẹ mang thai hoặc sau sinh không ăn kiêng vì dễ gây nên thiếu vi chất và vitamin K.
Cần thực hiện các biện pháp giảm đau nếu sử dụng thuốc đường tiêm bắp cho trẻ.
Tư vấn cho những cha mẹ từ chối sử dụng vitamin K tiêm bắp các rủi ro liên quan đến chảy máu do thiếu hụt vitamin K. Trong trường hợp đó, khuyến nghị sử dụng 2 mg vitamin K đường uống liều đầu tiên, sau đó lặp lại ở 2-4 tuần tuổi và 6-8 tuần tuổi[1,3].
Hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai có sản phẩm dung dịch tiêm Phytanodione (Vik1 inj) 10 mg/ml – 1 ml do công ty Daihan Pharm Co.Ltd - HÀN QUỐC sản xuất và không có dạng Vitamin K đường uống.
Một số thông tin khác:
- Vitamin K đường tiêm bắp có hiệu quả hơn vitamin K đường uống.
- Cần tuân thủ chặt chẽ hơn nếu sử dụng đường uống.
- Trẻ sẽ vẫn có nguy cơ bị chảy máu do thiếu hụt vitamin K muộn, với nguy cơ tiến triển xuất huyết nội sọ.
- Ở trẻ non tháng cần được chăm sóc đặc biệt, không đủ bằng chứng để khuyến cáo dùng vitamin K tiêm tĩnh mạch[1,3].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ng, Eugene, and Amanda D. Loewy. "Guidelines for vitamin K prophylaxis in newborns. " Paediatrics & child health 23. 6 (2018) : 394-397.
2. Guidelines for Vitamin K Prophylaxis, Newborn Nursery, Stanford Medicine. https: //med. stanford. edu/newborns/clinical-guidelines/vitamink. html Truy cập ngày 31/3/2020.
3. Vitamin K Prophylaxis in Newborns Clinical Practice Guidelines (2018). https: //reference. medscape. com/viewarticle/903760 Truy cập ngày 31/3/2020.
4. What is Vitamin K Deficiency Bleeding? https: //www. cdc. gov/ncbddd/vitamink/facts. html Truy cập ngày 31/3/2020.
5. Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, ban hành kèm theo quyết đinh 3312/QĐ-BYT ngày 07/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế trang 467 – 472.