Theo BS Dũng, gọi là bệnh tiêu chảy khi trẻ đi đại tiện trên 3 lần một ngày, với phân lỏng hoặc toàn nước. Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều lý do, nhưng thường gặp nhất là do đường ruột trẻ bị nhiễm trùng (do vi-rút, vi trùng, hoặc ký sinh trùng). Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, bất dung nạp thức ăn, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, sử dụng kháng sinh kéo dài... Bên cạnh đó, bệnh tiêu chảy còn làm rối loạn các chất trong cơ thể khiến các cơ quan bị rối loạn hoạt động, có thể dẫn tới suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài khiến bệnh tiêu chảy khó kiểm soát và dẫn đến tử vong. Vì vậy, BS Dũng đã lưu ý quý thân nhân bệnh nhi cần chú trọng các nguyên tắc sau trong việc điều trị bệnh tiêu chảy như: cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau: trẻ không ăn uống được và bỏ bú, sốt cao hơn, trẻ rất khát nước hoặc trong phân có máu...
BS Dũng còn chỉ ra một số sai lầm khi chăm sóc trẻ bị bệnh tiêu chảy như: dùng thuốc chống nôn, thuốc cầm ỉa, ăn kiêng hoặc tự dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Quý phụ huynh cần lưu ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng và uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus.
Truyền thông Giáo dục sức khỏe là một hoạt động được tổ chức thường xuyên tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hoạt động này nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản và nâng cao nhận thức cho quý thân nhân bệnh nhi trong việc phòng chống những bệnh thường gặp ở trẻ.