Theo BS Tuấn, Thoát vị bẹn là do tồn tại ống phúc tinh mạc, biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn - bìu ở bé trai và ở gần âm môi của bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rướn hoặc sau những vận động mạnh như: chạy nhảy, tập thể dục,.., và sẽ xẹp xuống khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm yên. Điều này dễ gây chủ quan cho các bậc phụ huynh, đến khi khối thoát vị sa xuống mà không tự lên được gây đau đớn, khóc thét thì trẻ mới được đưa đến bệnh viện. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời, sẽ có nguy cơ các cơ quan trong ổ bụng thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như: nghẹt buồng trứng (ở bé gái), tổn thương tinh hoàn (ở bé trai), tắc ruột, hoại tử ruột, thậm chí là tử vong. Do đó, BS Tuấn khuyến cáo với các bậc phụ huynh cần phải theo dõi những thay đổi trên cơ thể của trẻ, khi phát hiện thấy các khối u vùng bẹn phải đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám và điều trị. Hiện nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này; do đó đối với những trẻ bị thoát vị bẹn nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Truyền thông giáo dục sức khỏe là dịp để các bậc phụ huynh và bác sỹ chia sẻ với nhau những kiến thức, giải đáp thắc mắc, trao đổi những vấn đề liên quan đến các bệnh thường gặp ở trẻ em. Từ đó, có sự phối hợp với nhau trong công tác điều trị bệnh cho trẻ nhằm nâng cao hiệu quả và sự hài lòng của người dân khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
T.D – Phòng CTXH