Các phòng xét nghiệm đã và đang phát triển theo hướng thiết bị tự động, góp phần tích cực trong công tác sàng lọc để có một chẩn đoán sớm, giúp có hướng điều trị bệnh. Một kết quả xét nghiệm không chỉ giúp các bác sỹ lâm sàng chẩn đoán chính xác, hướng điều trị kịp thời mà còn có thể dự báo sớm những nguy cơ mắc bệnh. Nhu cầu xét nghiệm không chỉ dành riêng cho bệnh nhân mà còn dành cho cả những người khỏe mạnh để giúp tầm soát bệnh. Bên cạnh đó có những kết quả xét nghiệm được xem như “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán, vì vậy có thể xem xét nghiệm là một lĩnh vực không thể thiếu, luôn hổ trợ tích cực trong công tác điều trị bệnh.
Vậy công việc của một Kỹ thuật viên xét nghiệm là gì ?
Công việc của Kỹ thuật viên xét nghiệm thường rất “âm thầm” và được thể hiện với nhiều nhiệm vụ đặc thù của chuyên ngành. Hàng ngày họ có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ và chuẩn bị bệnh nhân trước khi tiến hành lấy bệnh phẩm (ví dụ: máu, nước tiểu, phân, đờm… ) để làm xét nghiệm và thực hiện các kỹ thuật xác định vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh, phân tích các chất trong máu, dịch sinh vật, thực hiện công tác an toàn truyền máu...cho bệnh nhân.
Một Kỹ thuật viên đang thực hiện phản ứng hòa hợp trước khi truyền máu
Để làm được một xét nghiệm Kỹ thuật viên phải tiến hành: pha hóa chất, thuốc thử và chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ… Có những hóa chất xét nghiệm là những chất độc và dễ ăn mòn, nguy cơ tai nạn nghề nghiệp là điều không tránh khỏi.
Kỹ thuật viên đang pha hóa chất, thuốc thử chuẩn bị làm xét nghiệm
Một Kỹ thuật viên xét nghiệm phải có khả năng sử dụng thành thạo những trang thiết bị tự động hóa để thực hiện các xét nghiệm, phân tích và nhận định kết quả. Công việc này đòi hỏi một khả năng chuyên môn trong việc sử dụng hệ thống máy móc tinh vi. Nó cũng đòi hỏi sự chặt chẽ và chính xác; giờ làm việc đều đặn, làm ca đêm, chủ nhật và ngày lễ. Kỹ thuật xét nghiệm đòi hỏi phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt về quy trình, vì chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng kết quả xét nghiệm và độ chính xác luôn được tuân thủ hàng đầu.
Hơn thế nữa một Kỹ thuật viên xét nghiệm còn có khả năng thiết lập, điều chỉnh và kiểm tra các quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng các xét nghiệm.
Mọi người chỉ nhìn thấy Kỹ thuật viên xét nghiệm là công việc ổn định, nhẹ nhàng mà ít ai biết rằng nghề này cũng có rất nhiều rủi ro. Công việc này thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh phẩm chứa vi khuẩn và bệnh dịch… Ngoài yếu tố môi trường, yếu tố sinh học cũng là một nguy cơ tiềm ẩn đối với các nhân viên xét nghiệm, bởi vi khuẩn lao có nguy cơ lây lan rất cao, thêm nữa là các vi khuẩn lao đa kháng thuốc. Bên cạnh đó còn có các mầm bệnh khác như: HIV, viêm gan C... không có vacxin phòng bệnh nên chỉ có thể bảo vệ mình bằng thực hiện chuẩn mực các quy tắc an toàn nghề nghiệp. Mặc dù biết rằng nhân viên ngành y dù ở bất kỳ chuyên khoa nào cũng đều có nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh; tuy nhiên nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan B và C là những tai nạn nghề nghiệp mà các Kỹ thuật viên xét nghiệm luôn phải đương đầu. Các dạng phơi nhiễm thường là do kim đâm khi làm các thủ thuật lấy máu làm xét nghiệm, hoặc tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào tay. Không loại trừ khả năng máu, chất dịch của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc: mắt, mũi…
Công việc nuôi cấy vi trùng của khoa vi sinh thì vất vả hơn và yêu cầu kỹ thuật cao, bởi nếu Kỹ thuật viên làm việc không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, mầm bệnh sẽ lây sang những người khác. Chính vì vậy để phòng tránh người Kỹ thuật viên xét nghiệm phải được trang bị đầy đủ kiến thức tránh phơi nhiễm bệnh khuẩn, hạn chế tối đa rủi ro nghề nghiệp.
Hàng ngày các bác sỹ, điều dưỡng tiếp xúc với bệnh nhân, dù sao cũng thú vị hơn chúng tôi tiếp xúc với những chất thảy của con người: đờm, phân, nước tiểu… Hay nói cách khác thì chúng tôi thường xuyên làm bạn với ống nghiệm và bệnh phẩm. Một ngày bác sỹ điều trị tiếp xúc với một số lượng bệnh nhân, thì cũng số lượng ấy là những mẫu bệnh phẩm mà Kỹ thuật viên xét nghiệm phải xử lý và cho kết quả chính xác. Mặc dù đã có các phương tiện bảo hộ nhưng ai dám chắc có thể bảo đảm an toàn 100% đây? Bởi vậy, công việc của chúng tôi đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ và trên hết đó là lòng yêu nghề.
Do tính đặc thù của công việc này đã nảy sinh mặc cảm của những người làm nghề Kỹ thuật viên xét nghiệm. Thế rồi có những lúc trên lâm sàng điều trị không đáp ứng, với một kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ các bác sỹ đã thay đổi kháng sinh và hướng điều trị đã có chiều tích cực. Những thành công khi tìm ra những con vi khuẩn kháng thuốc, hoặc kết quả bất thường của chức năng gan, thận... giúp các bác sỹ lâm sàng có hướng điều trị mới... những lúc này chúng tôi chợt nghĩ : “công việc mình làm rất có ích thì tại sao lại phải mặc cảm ?” và sự tự ái đã được thay bằng lòng tự hào nghề nghiệp.
Không có những người hy sinh thầm lặng, tiếp xúc với những bệnh phẩm nguy hiểm và dơ bẩn thì làm sao có được những kết quả xét nghiệm giúp các bác sỹ chuẩn đoán bệnh ?
CN Hồ Thị Thanh Thuận - T3G P.CTXH
Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai