Lúc 13giờ30 ngày 20/06/2017 tại Hội trường A Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai (BV NĐĐN), Phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề với các nội dung sau:

1. Cập nhật xử trí tiêu chảy cấp và táo bón mạn ở trẻ em– Báo cáo viên: BS. CKI Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu Hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM.

2. Viêm gan siêu vi B ở sơ sinh– Báo cáo viên: BS CKII Huỳnh Thị Thanh, Phó Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh BV NĐĐN .

3. Điều trị thiếu máu do thiếu sắt– Báo cáo viên: BS CKI Lê Thị Đẹp, Trưởng Khoa Dinh DưỡngBV NĐĐN.

Đến tham dự buổi Hội thảo có sự hiện diện của:

-         TS BS Nguyễn Trọng Nơi – Phó Giám đốc BV NĐĐN.

-         BS CKI Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Giám đốc BV NĐĐN.

-         Ths BS Lê Anh Phong - Phó Giám đốc BV NĐĐN.

Cùng các bác sỹ đến từ Bệnh viện Đồng Nai, các bác sỹ công tác tại các tuyến, các bác sỹ đã và đang công tác tạiBệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Mở đầu buổi hội thảo BS Phúc - Trưởng Khoa Tiêu Hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã trình bày một số vấn đề sau: Táo bón, Táo bón chức năng, Táo bón kháng trị, Iả đùn, Hành vi nín giữ phân, Ứ phân (Fecal impaction), Chứng khó đại tiện. Theo BS Phúc, trẻ dưới 9 tháng nếu trong thời gian 10 phút không đi cầu được thì chẩn đoán là chứng khó đại tiện (trung bình 12%). Hiện nay, để chẩn đoán táo bón thường dựa vào thang điểm Bristol stool Form Scale (gồm 7 type); trong đó type 1,2 là bón. Và tiêu chuẩn đánh giá táo bón mãn tính là táo bón kéo dài 1 tháng. Táo bón chức năng thì có thể xuất hiện thời kỳ sơ sinh. Ngược lại, Ỉa đùn lại liên quan đến vấn đề tâm lý trẻ.Trường hợp táo bón kháng trị cần thụt tháo trên dòng.Hiện nay mục tiêu trong việc điều trị táo bón:

- Hồi phục (tiêu phân bình thường)

- Không són phân

- Ngừa tái phát

Thực hiện đủ các yêu cầu trên thì mới là ca điều trị táo bón thành công.

Việc phòng táo bón gồm 4 bước:

- Giáo dục (tìm yếu tố nguy cơ)  

- Sạch phân

- Ngừa tích tụ phân trở lại

- Theo dõi.

Tóm lại táo bón là bệnh dễ điều trị, khó duy trì và dễ bị tái phát.

BS. CKI Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu Hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 trình bày chuyên đề:

“Cập nhật xử trí tiêu chảy cấp và táo bón mạn ở trẻ em

Trong chuyên đề: “Cập nhật xử trí Tiêu chảy cấp ở trẻ”, theo BS Phúc thì việc bù nước bằng đường uống là tối ưu. Nênkết hợp dùng phối hợp kẽm trong điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ dưới 15 tuổi, bởi kẽm giúp tế bào ruột phục hồi tốt.Chia sẽ về vấn đề điều trị tiêu chảy, BS Phúc lưu ý: dùng thuốc chống ói, nhằm giảm ói nhưng lại tăng thời gian tiêu chảy dài ra. Đặc biệt Odansetron có thể sử dụng cho các trẻ điều trị nội trú có rối loạn điện giải (phải có dữ liệu Kali); thuốc này có tác dụng giảm ói, không tăng nhu động ruột.Racecadotril tác dụng nhanh trên thực tế, giảm tiêu chảynhanh trong 24 giờ, tốt khi điều trị ngoại trú. Thuốc này hiện đã có ở phác đồ điều trị của Bệnh viện Nhi đồng I, có thể sử dụng trên bệnh nhân tiêu chảy kéo dài, nhưng không dùng quá 7 ngày.Probiotics tăng hiệu quả sử dụng trong vài ngày đầu điều trị.

Một câu hỏi đặc ra: trẻ tiêu chảy có nên cho ăn yaourt? Câu trả lời là không, vì nó không có ý nghĩa về mặt lâm sàng.Thế còn tiêu chảy do kháng sinh? Định nghĩa là trẻ sử dụng kháng sinh và có tiêu chảy. Sau khi ngưng dùng kháng sinh 8 tuần, trẻ vẫn bị tiêu chảy mà không có một nguyên nhân nào khác, thì nghĩ tiêu chảy do kháng sinh. Đây là lời cảnh báo không dùng kháng sinh bừa bãi.

Với chuyên đề: “Viêm gan siêu vi B ở sơ sinh”, BS Thanh - Phó Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, BV NĐĐN đã có những chia sẽ: Viêm gan B là bệnh mãn tính do virus HBV (Hepatitis B virus) gây nên. Bệnh gây chết khoảng 600.000 người trên toàn thế giới mỗi năm. Đây cũng là căn bệnh rất phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới; ước tính có khoảng 8,6 triệu người Việt Nam đang nhiễm virus viêm gan B.

BS CKII Huỳnh Thị Thanh, Phó Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh BV NĐĐN

trình bày chuyên đề: “Viêm gan siêu vi B ở sơ sinh”.

Theo BS Thanh, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B cao hơn virus HIV 100 lần, tỉ lệ bệnh nhân cũng tăng dần qua từng năm cũng như chi phí điều trị bệnh viêm gan B rất cao. Đặc biệt sơ sinh bị viêm gan siêu vi B thường không có triệu chứng lâm sàng và cũng thường không có các dấu hiệu sinh hóa của bệnh ngay khi sinh. Dạng thường gặp là sự hình thành kháng nguyên virus lưu hành trong máu mạn tính, bắt đầu xuất hiện lúc 2-5 tháng tuổi. Đôi khi, kháng nguyên trong máu hoàn toàn không tìm thấy mà chỉ phát hiện được kháng thể bề mặt anti-HBs lúc 6-12 tháng tuổi.Chẩn đoán xác định chủ yếu là bằng huyết thanh chẩn đoán ở mẹ trong thời kỳ sơ sinh và huyết thanh chẩn đoán ở con trong thời kỳ từ 2-6 tháng. Đánh giá các men và bilirubin trong máu chỉ nhằm xác định tình trạng lan tỏa của tổn thương gan. Cũng theo BS Thanh, việc kiểm soát viêm gan siêu vi B trên quy mô toàn cầu là điều có thể thực hiện được. Hầu hết các trường hợp nhiễm HBV trong suốt giai đoạn ấu nhi, đều trở thành tình trạng mang mầm bệnh mạn tính, do đó cần phải chỉ định vacin trong giai đoạn này nhằm kiểm soát được bệnh trong cộng đồng. Các bác sĩ Nhi khoa và các cán bộ y tế nói chung có ảnh hưởng rất lớn trên chương trình tiêm chủng này.

Nội dung tiếp theo là phần trình bày của BS CKI Lê Thị Đẹp, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng BV NĐĐN với chuyên đề: “Điều trị thiếu máu do thiếu sắt”. Như chúng ta đã biết, sắt là 1 trong 3 vi chất dinh dưỡng (Vitamin A, I ốt, sắt) đang được quan tâm vì sự thiếu hụt các chất này có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.Ở các nước đang phát triển: thiếu sắt là nguyên nhân thiếu vi chất thường gặp nhất.Ở các nước đã phát triển thì thiếu máu thiếu sắt vẫn là 1 trong những nguyên nhân chính gây thiếu máu ở trẻ nhỏ.Tại Việt Nam tỉ lệ thiếu hụt sắt trong người dân vẫn còn chiếm một tỉ lệ khá cao. Trước tình hình đó, BS Đẹp đã có những chia sẽ về hướng điều trị và cách phòng ngừa.

BS CKI Lê Thị Đẹp, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng BV NĐĐN trình bày chuyên đề:

“Điều trị thiếu máu do thiếu sắt”.

Theo BS Đẹp việc phòng chống thiếu máu thiếu sắt cần có ba giải pháp: ngắn hạn là bổ sung sắt bằng đường uống; trung hạn là tăng cường sắt vào thực phẩm và dài hạn là cải thiện chế độ ăn hàng ngày, vệ sinh môi trường, sổ giun định kỳ.Nên lưu ý bổ sung sắt cho nữ 15-35 tuổi, bổ sung sắt và acid folic mỗi ngày từ lúc phát hiện mang thai đến sau sanh 1 tháng, trẻ sinh nhẹ cân: bắt đầu từ 1 tháng. Sàng lọc thiếu sắt cho trẻ lúc 9-12 tháng tuổi, đây là giai đoạn nguy cơ cao nhất. BS Đẹp đã chỉ ra một công thức chung trong việc điều trị:

DINH DƯỠNG ĐÚNG, ĐỦ, CÂN ĐỐI VÀ HỢP LÝ = SỨC KHOẺ TỐT

Sau phần trình bày của các báo cáo viên là phần thảo luận. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh nội dung của 3 chuyên đề và đều được các báo cáo viên trả lời thỏa đáng. Buổi hội thảo là dịp gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm điều trị của các bác sỹ trong và ngoài viện.

CN Hồ Thị Thanh Thuận

T3G P. CTXH

Đánh giá bài này
(1 Bình chọn)
Xem 1020 lần
Bệnh Viện Nhi Đồng Đồng Nai

Tập thể nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, và chuyên môn cao sẵn sàng phục vụ các bệnh nhi.

Mọi thông tin xin liên hệ:
Email: info@benhviennhidongnai.org.vn
Số điện thoại: 02513.891500

LIÊN KẾT

     

      

benhvien8