1. Viêm VA.
Báo cáo viên: BS CKII Ngô Văn Phan – Q. Trưởng khoa Tai Mũi Họng.
2. Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em.
Báo cáo viên: ThS BS Nguyễn Trọng Nghĩa –TK HSTC CĐ.
Tham dự buổi hội thảo có sự hiện diện của: TS BS Nguyễn Trọng Nơi - Phó Giám đốc BV; ThS BS Chu Văn Thiện – Trưởng phòng ĐT-NCKH-CĐT; cùng các Bác sỹ, Dược sỹ, Cử nhân đang công tác tại BV NĐĐN. Các Bác sỹ đang công tác tại: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực; Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; và các Bác sỹ công tác trong lĩnh vực Nhi khoa.
Mở đầu buổi hội thảo là chuyên đề VA do BS Ngô Văn Phan trình bày. Theo BS Phan, VA (viết tắt từ tiếng Pháp Végétations Adénoides, Việt Nam gọi là bệnh sùi vòm mũi họng) bắt đầu hình thành từ tuần lễ thứ 16 của thai kỳ. Do đáp ứng với sự xâm nhập của kháng nguyên từ bên ngoài, VA sẽ phì đại quá phát. Quá trình này xảy ra suốt thời kỳ phát triển đầu tiên của bé (cao độ khoảng từ 2-6 tuổi). VA sẽ thoái triển dần và teo nhỏ lại trước khi tuổi dậy thì. Thông qua chuyên đề Viêm VA, BS Phan còn chia sẻ về các phương pháp nạo VA (kèm hình ảnh minh họa), một số biến chứng của nạo VA như: chảy máu, phù phổi cấp, bỏng và tổn thương mô mềm...chỉ định và chống chỉ định nạo VA.
Một số câu hỏi đã được nêu ra: Viêm VA có tái đi tái lại? Tỉ lệ nhiễm khuẩn là bao nhiêu? VA có phải là điều kiện gây Viêm tai giữa cao?...
Qua chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn huyết ở trẻ”, ThS BS Nguyễn Trọng Nghĩa đã chia sẻ: về cách nhận biết chẩn đoán Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng sớm và hướng điều trị; lưu ý tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nhiễm trùng huyết là cấy máu dương tính. Trường hợp cấp cứu sốc nhiễm trùng phải thiết lập đường truyền tĩnh mạch trong 5 phút, nếu không chích vein được thì thiết lập đường truyền qua xương chày (lưu kim tối đa 72 giờ); nếu sau 1 giờ đầu không đạt được mục tiêu, phải xem lại cách điều trị. Bàn về giá trị của xét nghiệm Lactat máu, theo BS Nghĩa: Lactat là hậu quả của thiếu oxy, được đào thải và phân hủy do gan, vì vậy trường hợp suy gan thì xét nghiệm Lactat không có giá trị.
Thông qua chuyên đề, BS Nghĩa còn gởi gắm một số tâm tư: Nên có máy theo dõi nồng độ thuốc để hổ trợ điều trị, hay thiết bị đo bạch cầu thực bào (có thể phát hiện vi khuẩn xâm nhập vào máu sau 1 giờ) nhằm giúp phát hiện nhiễm trùng huyết sớm; hoặc có một đội phản ứng nhanh (gồm 1 BS và 2 ĐD) để ứng phó trong những trường hợp cấp cứu.
Tham dự buổi hội thảo, TS BS Nguyễn Trọng Nơi đã có một số ý kiến về các vấn đề liên quan đến nội dung của 2 chuyên đề và trả lời một số thắc mắc của người tham dự. Theo BS Nơi, việc hội chẩn và báo động đỏ trong trường hợp Nhiễm trùng huyết sẽ do ê kíp BS tại Khoa Khám bệnh Cấp cứu kích hoạt; không phải bất cứ trường hợp cấp cứu nào cũng sau 3 giờ mới chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực; tại BV NĐĐN đã có lưu đồ điều trị Nhiễm trùng huyết và Sốc nhiễm trùng vì vậy lưu ý các BS trong vấn đề thực hiện.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH