BS ChánhTTGDSK với chủ đề: “Những bệnh tiêu hóa thường gặp ở trẻ”.
Đến với buổi truyền thông, BS Chánh đã chia sẻ một số kiến thức cơ bản về các bệnh đường tiêu hóa thường gặp như: tiêu chảy cấp,bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, táo bón, viêm dạ dày tá tràng… đã và đang là những căn bệnh phổ biến. Bằng cách đặt ra những câu hỏi như: Vì sao trẻ bị tiêu chảy? Làm sao biết trẻ bị mất nước? Khi nào cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế? Điều trị trẻ bị tiêu chảy như thế nào?...để rồi có những câu trả lời thực tế và dễ hiểu. Tuy là bệnh thường gặp nhưng vẫn tạo được sự chú ý lắng nghe của các bậc phụ huynh vì đúng căn bệnh mà con em mình đang điều trị tại khoa Tiêu hóa. Ngoài trả lời các câu hỏi về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh, BS Chánh còn hướng dẫn cách pha các dung dịch khi không có dung dịch Oresol, và chỉ ra một số sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy như: dùng thuốc chống nôn, thuốc cầm ỉa, ăn kiêng, bù dịch và điện giải không đúng cách, hoặc tự dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của BS. Vậy để phòng ngừa bệnh tiêu chảy chúng ta phải làm gì? Nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng với thức ăn đủ dinh dưỡng, sử dụng nguồn nước sạch cho ăn uống và vệ sinh… Lưu ý rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc hoặc chế biến thức ăn, sau khi đi ngoài, thay tã cho trẻ…
Nói về nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ, BS Chánh nhấn mạnh: bệnh thường do siêu vi trùng (như: Rotavirus), vi trùng: lỵ, tả, thương hàn, hoặc ký sinh trùng. Hướng dẫn một số biểu hiện, triệu chứng, các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện kèm chế độ ăn uốngkhi trẻmắc bệnh này. Và không quên lưu ý các bậc phụ huynh trong vấn đề phòng ngừa như: thường xuyên rửa tay, tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh, hạn chế ăn đồ sống, bảo quản thức ăn cẩn thận… bởi bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
Quang cảnh buổi truyền thông
Một bệnh khác về đường tiêu hóa cũng thường gặp ở trẻ: táo bón. Việc nhận biết trẻ bị táo bón tuy đơn giản nhưng việc phòng bệnh táo bón cho trẻ là vấn đề mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Nên cho trẻ uống nhiều nước, cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín, tập cho trẻ đại tiện đúng giờ quy định, nếu trẻ mắc các bệnh như: còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu… thì cần điều trị để phòng ngừa táo bón.
Viêm dạ dày tá tràng cũng là một bệnh về đường tiêu hóa mà các bậc phụ huynh thường không nghĩ xảy ra ở trẻ nhỏ. Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, quý phụ huynh nên tránh không cho trẻ ăn bữa cuối trong ngày gần giờ ngủ (cách giờ ngủ > 3giờ). Không ăn thức ăn quá chua, quá nóng, nhiều gia vị; tránh cho trẻ uống cà phê, trà, nước có ga, nước tăng lực và không tự ý ngưng điều trị ngay cả khi cảm thấy trẻ giảm bệnh nhiều.
Cuối buổi truyền thông là phần trả lời những câu hỏi ngắn nhằm tổng hợp những kiến thức mà bác sỹ đã chia sẻ. Buổi truyền thông, đã cung cấp cho các bậc phụ huynh có con em đang điều trị tại Khoa Tiêu hóa một số kiến thức cơ bản về các bệnh tiêu hóa thường gặp để kịp thời “ứng biến” khi trẻ mắc bệnh.
CN Hồ Thị Thanh Thuận
T3G P. CTXH