Buổi truyền thông dưới hình thức trả lời các câu hỏi mở như: Bệnh Hen là gì? Ai có thể bị Hen? Biểu hiện của bệnh Hen như thế nào? Khi nào thì nghi ngờ trẻ bị hen và phải làm gì khi trẻ bệnh Hen? Hoặc, bệnh Hen có nguy hiểm không, có thể chữa khỏi hoàn toàn không và cách đều trị như thế nào?… Tất cả đều được BS Thủy nêu ra và trả lời ngay. Thân nhân bệnh nhi tham dự truyền thông đều hài lòng vì những gì mình thắc mắc về bệnh Hen đã được BS Thủy chia sẻ thật chi tiết và dễ hiểu.
Ngoài ra, BS Thủy còn hướng dẫn quý thân nhân trong việc phòng ngừa sự xuất hiện các triệu chứng hen bằng cách tránh các yếu tố khởi phát cơn hen như: nhiễm trùng đường hô hấp, các chất gây dị ứng (mạt nhà, phấn hoa, lông thú…) hoặc các chất gây kích thích (nấm mốc, khói thuốc lá, nước hoa, nước xịt phòng…). Lưu ý trường hợp trẻ bị bệnh Hen nếu vận động nhiều, stress, xúc cảm quá mức… cũng làm tăng triệu chứng của bệnh.
Hiện tại Phòng khám Hen Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có trên 400 bệnh nhi đang được quản lý, theo dõi và điều trị. Vì vậy, để nhận biết trẻ bị Hen, quý phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu sau:
1. Cơn cấp, dễ nhận biết với các triệu chứng: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực.
2. Khò khè tái đi tái lại (trên 3 lần ở trẻ dưới 2 tuổi)
3. Ho thường về đêm, ho tái đi tái lại
4. Ho, khò khè tăng khi gắng sức, khi tiếp xúc với chất gây dị ứng gợi ý hen (con mạt nhà, gián, nấm mốc, phấn hoa, khói thuốc…)
Kết thúc buổi truyền thông là các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả truyền thông, thông qua sự tiếp thu của phụ huynh. Ngoài mục đích truyền thông giáo dục sức khỏe, hoạt động này còn nằm trong Kế hoạch Quản lý – Điều trị - Phòng ngừa bệnh Hen tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH