HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THÁNG 08/2019 TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG ĐỒNG NAI

Lúc 13 giờ 30 ngày 20/08/2019, tại Hội trường A Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai (BV NĐĐN), Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến đã tổ chức buổi Hội thảo Chuyên đề tháng 8/2019 với các nội dung sau:
     1. Cập nhật điều trị Tiêu chảy cấp ở trẻ em và tiêu chảy liên quan kháng sinh.
     Báo cáo viên: PGS TS Nguyễn Anh Tuấn – Bộ môn Nhi, ĐHYD TP HCM
     2. Tiếp cận hồi sức sọ não tại BV NĐĐN.
     Báo cáo viên: ThS BS Vương Doãn Đan Phương – Phó Khoa PTGM-HS.
     3. Bệnh chốc ở trẻ em.
     Báo cáo viên: BS CKI Vũ Thị Thu Hạnh – Phó Khoa HH-TK.

Tham dự buổi Hội thảo có sự hiện diện của:
    • TS BS Nguyễn Trọng Nơi - Phó Giám đốc BV NĐĐN
    • BS CKI Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó Giám đốc BV NĐĐN
    • ThS BS Chu Văn Thiện – Trưởng phòng ĐT-NCKH-CĐT
Cùng các Bác sỹ, Dược sỹ, Cử nhân, ĐDT các khoa, phòng đang công tác tại BV NĐĐN; các bác sỹ đang công tác tại các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế; các BS công tác trong lĩnh vực Nhi khoa cũng đã đến tham dự buổi Hội thảo.

 

     Mở đầu buổi Hội thảo là phần trình bày của PGS TS Nguyễn Anh Tuấn – Bộ môn Nhi, ĐHYD TP HCM với chuyên đề: “Cập nhật điều trị Tiêu chảy cấp ở trẻ em và tiêu chảy liên quan đến kháng sinh”. Như chúng ta đã biết, Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu phân lõng…; mất nước và điện giải là biến chứng nặng hay gặp và là lý do chủ yếu có thể làm trẻ tử vong. Mặc dù phương pháp điều trị tiêu chảy khá đơn giản và dễ dàng tiếp cận, nhưng việc điều trị không phù hợp dẫn tới sự gia tăng chi phí cũng như các phản ứng bất lợi của thuốc gây ra cho trẻ. Việc “Cập nhật điều trị Tiêu chảy cấp ở trẻ em và tiêu chảy liên quan đến kháng sinh” đã giúp các BS có những thông tin mới, hỗ trợ cho việc điều trị bệnh tiêu chảy.

     Với chuyên đề: “Tiếp cận hồi sức sọ não tại BV NĐĐN”, ThS BS Vương Doãn Đan Phương đã có những chia sẻ: việc phát hiện và ổn định nhanh trẻ chấn thương sọ não nặng là cần thiết để tránh những tổn thương não thứ phát. Theo BS Phương những lưu ý trong tiếp cận ban đầu như: đặt nội khí quản nhanh, ổn định và điều trị cơ bản... là những tiếp cận đầu tiên trong hồi sức sọ não tại BV NĐĐN. Trong vấn đề tiếp cận chuyên sâu, BS Phương lưu ý nên khám từ đầu tới chân; chú ý các triệu chứng quan trọng để phát hiện chấn thương đầu như: mất ý thức kéo dài, có hoặc không tình trạng tri giác bất thường, ói liên tục, đau đầu nặng... Khám thần kinh: mức độ nhận thức (GCS), đồng tử (kích thước, phản xạ, đối xứng), vận động cơ vận nhãn ngoài (TK VI), tăng áp lực nội sọ (soi đáy mắt, phản xạ giác mạc và hầu họng), phản xạ gân sâu, đáp ứng đau… Chỉ định phẫu thuật khi có tụ máu ngoài màng cứng; ngược lại, khi không có chỉ định phẫu thuật thì phòng ngừa thiếu oxy máu, hạ HA, theo dõi và điều trị tăng áp lực nội sọ...

     Chốc lây là một bệnh nhiễm khuẩn nông ở da, bệnh dễ lây, thường gặp ở trẻ em. Thương tổn cơ bản thường gặp: mụn mủ, bóng nước, và các vết loét đóng vảy tiết màu mật ong. Tuổi thường gặp là 2 đến 6 tuổi. Nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và biến chứng nguy hiểm. Bệnh do 2 loại vi khuẩn: Staphylococcus aureus và/hoặc Streptococcus pyogenes. Chúng xâm nhập qua vết thương hở, vết cắt, vết côn trùng đốt… Chốc thường xuất hiện ở vùng có vệ sinh kém, khí hậu nóng nực, nghèo, dân cư đông đúc… Ngoài ra, Chốc có thể xuất hiện thứ phát sau viêm da cơ địa, ghẻ, vết đốt côn trùng, bỏng nhiệt, thủy đậu, vẩy nến… Thông qua chuyên đề, BS Hạnh còn chia sẻ vể triệu chứng lâm sàng của Chốc không bóng nước, chốc bóng nước (bullous impetigo), Chốc loét (ecthyma); chẩn đoán phân biệt với Viêm da tiếp xúc (contact dermatitis), Nấm thân, Eczema herpeticum, Autoimmune blister disease, Autoimmune blister disease, Bullous arthropod bite, Thủy đậu, Deep fungal infection, Pyoderma gangrenosum; chia sẻ các biến chứng của Chốc như: Viêm mô tế bào, Viêm cầu thận cấp, Sẹo…; hướng dẫn điều trị và phòng ngừa.
Chương trình “Hội thảo chuyên đề” thường xuyên được tổ chức tại BV NĐĐN, nhằm tạo điều kiện cho các BS có dịp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, góp phần hỗ trợ công tác điều trị. Tham dự lớp học, học viên sẽ được cấp Chứng chỉ Đào tạo liên tục của BV NĐĐN, theo Quyết định của Sở Y tế Đồng Nai.

 

Thanh Thuận
T3G  P. CTXH

Chỉnh sửa lần cuối vào Wednesday, 28 August 2019 08:47
Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Xem 627 lần
Bệnh Viện Nhi Đồng Đồng Nai

Tập thể nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, và chuyên môn cao sẵn sàng phục vụ các bệnh nhi.

Mọi thông tin xin liên hệ:
Số điện thoại: 02513.891500 - Nhánh 151

LIÊN KẾT

     

      

benhvien8