Trong thời gian qua, việc triển khai “Quy trình báo động đỏ nội viện” tại BV NĐĐN đã tối ưu hóa nguồn lực và thời gian “vàng” nhằm cứu sống người bệnh nguy kịch. Vì vậy, “Hướng dẫn yêu cầu phát máu cấp cứu trong trường hợp báo động đỏ” là một chuyên đề được mọi người quan tâm. Mở đầu chuyên đề, BS Bông đã nhắc lại những nội dung chính trong Thông tư 26/2013/TT-BYT, ngày 16/09/2013 về Hướng dẫn hoạt động truyền máu. Lưu ý các xét nghiệm trong cấp phát máu (Điều 42, 43/TT 26) hiện đang thực hiện tại BV NĐĐN như: định nhóm máu bệnh nhân, định nhóm máu túi máu, phản ứng hòa hợp môi trường nước muối ở 22- 240C, phản ứng hòa hợp môi trường kháng globulin người (Anti Human Globulin - AHG) ở 370C, sàng lọc kháng thể bất thường… Việc hòa hợp trong cấp phát máu (Điều 44, 45/TT 26), BS Bông lưu ý nên lựa chọn đơn vị máu hòa hợp miễn dịch, và bảo đảm hòa hợp miễn dịch trong một số trường hợp cấp cứu. Theo BS Bông, trường hợp báo động đỏ nếu lâm sàng cần máu cấp cứu thì bác sỹ điền đầy đủ thông tin và ký xác nhận vào “Phiếu yêu cầu phát máu cấp cứu”, điều dưỡng lấy 2 ống máu bệnh nhân: 1 ống EDTA (nắp xanh dương) và 1 ống SERUM (nắp đỏ), rồi gởi đến Phòng Xét nghiệm; thời gian Khoa Xét nghiệm cung ứng máu dưới 10 phút.
“Đại cương cấp cứu chấn thương ở trẻ em và tiếp cận chấn thương gây bất ổn ở bệnh nhi” là chuyên đề do BS Trần Võ – Khoa Khám bệnh Cấp cứu trình bày. Theo BS Võ, tại Buồng Cấp cứu để xác định mức độ chấn thương trên bệnh nhân BS cần lưu ý các chấn thương kèm theo: đa chấn thương hay chấn thương khu trú. Việc phân loại chấn thương như: Chấn thương đụng giập (té, tai nạn giao thông…), chấn thương xuyên thấu (đạn, đâm, mảnh đạn, mảnh bom…). Về mức độ nặng, dựa vào cơ chế chấn thương và khám lâm sàng. Chấn thương có được phân loại nguy cơ cao giúp sàng lọc được bệnh nhân không ổn định hoặc sẽ có diễn tiến không ổn định chủ yếu dựa vào sinh hiệu và khám lâm sàng. Ngoài ra, BS Võ còn lưu ý các chỉ định đặt nội khí quản liên quan tới chấn thương, shock giảm thể tích, đánh giá nguy cơ bệnh nhân đa chấn thương cần truyền máu lớn, các xét nghiệm và lâm sàng hỗ trợ…
Glaucoma là bệnh lý tiến triển mạn tính của thị thần kinh đặc trưng bởi sự tổn thương của tế bào hạch võng mạc, có thể dẫn tới những ảnh hưởng trầm trọng về thị giác và chất lượng sống của bệnh nhân. Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu trong phòng thí nghiệm cùng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh mới, nhiều hiện tượng sinh bệnh của bệnh Glaucoma đã được tìm ra hướng mới trong điều trị. Thông qua chuyên đề “Cập nhật mới nhất về bệnh Glaucoma” BS Nguyễn Văn Tiến - Khoa Mắt đã trình bày những xu thế mới trong điều trị Glaucoma hiện nay như: Ứng dụng Laze trong điều chỉnh nhãn áp xuyên củng mạc (phương pháp không phẩu thuật), Ứng dụng sinh học phân tử thuốc điều trị theo cơ chế ức chế chết theo chương trình, Ứng dụng kỹ thuật mới trong tầm soát các yếu tố thúc đẩy bệnh sinh trong nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.
Theo BS Tiến, tuy rằng những vấn đề còn đang được nghiên cứu và còn trong phòng thí nghiệm, nhưng những vấn đề mới mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về cơ chế bệnh học. Vì vậy, am hiểu về cơ chế sinh bệnh của Glôcôm sẽ giúp chúng ta sớm tìm ra các biện pháp can thiệp khác bên cạnh phương pháp truyền thống là điều chỉnh nhãn áp để bảo tồn thị lực và xa hơn là khắc phục triệt để cho người bệnh.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH