Như chúng ta đã biết, vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của con người như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012. Tuy nhiên, tháng 12 năm 2019 một chủng vi rút Corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại tỉnh Vũ Hán – Trung Quốc đã được xác định và có nguy cơ lan rộng. Người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính như: Ho, sốt, khó thở, có thể diễn tiến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong. Bệnh lây truyền qua cả 3 đường: Tiếp xúc – Giọt bắn – Hô hấp, vì vậy việc dự phòng khó khăn, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh.
Mở đầu buổi tập huấn là phần trình bày của BS CKI Nguyễn Thanh Quyền – Q.TK Bệnh Nhiệt đới với Chuyên đề: “Bệnh Viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) 2019 theo Quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020 của Bộ Y tế”.
Thông qua chuyên đề, BS Quyền đã có những chia sẻ về tổng quan Corona – nCoV, diễn tiến tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam. Lưu ý về các triệu chứng lâm sàng khi nhiễm vi rút Corona như: 90% sốt, 80% ho khan, 20% đau ngực, 20% khó thở, 80% bach cầu giảm hoặc bình thường, 100% có viêm phổi. Trường hợp tử vong thường gặp ở người già và những người có bệnh nền (mãn tính). Việc cách ly bệnh nhân phải dựa trên 02 yếu tố: lâm sàng và dịch tễ. Theo BS Quyền, những người có tiếp xúc gần với người mang vi rút Corona nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính, do vi rút chỉ có thể lây truyền qua tiếp xúc dịch tiết và không thể lơ lửng trong không khí. Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh nhưng không tiếp xúc dịch tiết, khả năng nhiễm bệnh không cao. Thời gian ủ bệnh: 14 ngày hoặc có thể ngắn hơn. Cần chẩn đoán phân biệt Viêm phổi do nCoV gây ra với: Cúm nặng (cúm A/H1N1 hoặc cúm gia cầm A/H5N1...), SARS-CoV và MER-CoV hoặc Viêm phổi không điển hình do các căn nguyên khác như: Vi rút hợp bào hô hấp (SRV), Adenovirus, Mycoplasma,... BS Quyền còn chia sẻ về phân tuyến điều trị tại Đồng Nai, thông tin ca bệnh theo phiếu điều tra, nguyên tắc điều trị và tiêu chuẩn xuất viện. Lưu ý nhân viên toàn viện tuân thủ cơ chế phát ngôn, thông tin báo chí của Bệnh viện và Ngành.
“Thu thập mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm nghi nhiễm nCoV” là Chuyên đề do Cử nhân Hồ Kim Loan – TK Xét Nghiệm trình bày.
Theo CN Loan, mục tiêu công tác lấy mẫu-bảo quản-vận chuyển bệnh phẩm nghi nhiễm nCoV dựa trên 2 tiêu chí: đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu và đảm bảo chất lượng bệnh phẩm. Bệnh phẩm thu thập ít nhất là 2 mẫu: 01 mẫu bệnh phẩm đường hô hấp và 01 mẫu máu. Bệnh phẩm nCoV đường hô hấp trên (dịch tỵ hầu và dịch họng, dịch súc họng), bệnh phẩm nCoV đường hô hấp dưới (đờm, dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi...), bệnh phẩm máu toàn phần (EDTA/3ml máu). CN Loan còn hướng dẫn về thời điểm thu thập, cách lấy bệnh phẩm, khử trùng dụng cụ và tẩy trùng nơi lấy mẫu. Các lưu ý về an toàn sinh học trong vận chuyển bệnh phẩm như: đóng gói bệnh phẩm (khi vận chuyển phải được đóng gói kỹ trong 3 lớp bảo vệ), kiểm tra chắc chắn thông tin mẫu đã được ghi trên tube chứa bệnh phẩm, điền đủ và đúng thông tin về bệnh nhân trong phiếu điều tra. Minh họa bằng hình ảnh cụ thể dụng cụ chứa bệnh phẩm, hướng dẫn lưu giữ, các tiêu chuẩn chấp thuận hoặc từ chối nhận mẫu bệnh phẩm... cũng đã được CN Loan chia sẻ cụ thể tại buổi tập huấn.
Nhằm “Hướng dẫn các biện pháp phòng lây nhiễm Coronavirus mới (nCoV)”, CN Đồng Thị Lan – TK Kiểm soát nhiễm khuẩn đã có phần trình bày chuyên đề trên theo Quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Bộ Y tế.
CN Lan đã chia sẻ các biện pháp chính trong việc phòng ngừa: Đảm bảo phân loại, nhận biết sớm và kiểm soát nguồn lây (cách ly bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV); Áp dụng biện pháp phòng ngừa chuẩn cho tất cả bệnh nhân; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung theo kinh nghiệm (qua giọt bắn, tiếp xúc và không khí khi cần thiết) đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV; Thực hiện kiểm soát hành chính; Kiểm soát môi trường và kỹ thuật. CN Lan còn lưu ý phòng lây nhiễm ở ngoài cộng đồng (dán hình ảnh, poster ở các khu vực công cộng), tăng cường rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đeo khẩu trang phòng bệnh, phải đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng về hô hấp. Khuyến cáo mọi người cần duy trì thông khí nơi ở hoặc nơi làm việc, tránh tiếp xúc và tụ tập ở nơi đông người, đặc biệt hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các vật nuôi, động vật hoang dã, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho bản thân và gia đình. CN Lan còn hướng dẫn cụ thể việc phòng lây nhiễm trong bệnh viện như: tổ chức khu vực cách ly (hình ảnh sơ đồ), lưu ý việc phòng ngừa cho người bệnh và khách đến thăm, phòng ngừa cho nhân viên y tế và các biện pháp phòng ngừa khác (Xử lý dụng cụ, đồ vải và đồ dùng sinh hoạt cho bệnh nhân, Xử lý môi trường, Xử lý chất thải BV, Xử lý người bệnh tử vong…). Hướng dẫn mặc phương tiện phòng hộ cá nhân qua hình ảnh thực tế của những nhân viên làm mẫu, và sau đó học viên được mời thực hành tại chỗ.
BS CKI Nguyễn Quang Hinh – TP. Kế hoạch tổng hợp đã thông qua Quy trình tạm thời tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ hoặc viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút Corona mới (nCoV).
BS Hinh thông tin về việc thành lập 02 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch nCoV (kèm danh sách và số điện thoại). Nhiệm vụ của đội cơ động: Thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám chữa bệnh khi có yêu cầu và tùy theo mức độ dịch; thực hiện theo lệnh điều động của Sở Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV tỉnh. Khi được lệnh điều động đội cấp cứu ngoại viện (BS lãnh đạo hoặc đội trưởng đội cơ động): trực tiếp chỉ huy điều động đội cơ động phản ứng nhanh làm nhiệm vụ. Lưu ý bệnh nhân không được di chuyển khỏi khu cách ly khi không có sự đồng ý của bác sỹ. BS Hinh còn đưa ra các tình huống cụ thể kèm hướng giải quyết, giúp học viên định hướng những việc cần làm khi có dịch.
Cũng tại buổi tập huấn, BS CKI Nguyễn Văn Sửu – TK Khám bệnh cấp cứu đã nêu ra 3 tình huống cụ thể và diễn giải hướng giải quyết nhằm chuẩn bị cho buổi diễn tập sắp tới.
Đến tham dự và phát biểu tại buổi tập huấn, Ths BSCKII Nguyễn Lê Đa Hà – Giám đốc bệnh viện, đã có những chỉ đạo trực tiếp trước các tình huống dự kiến khi có dịch. Nhắc nhở và động viên tất cả nhân viên cùng đồng sức, đồng lòng trong việc phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh do vi rút Corona mới.
Qua 3 buổi tập huấn, cho thấy sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần phòng chống dịch cao của tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH