Đến tham dự buổi Hội thảo ngoài các Bác sỹ, Cử nhân, Dược sỹ, Điều dưỡng trưởng tua đang công tác tại BV NĐĐN còn có nhiều đồng nghiệp đến từ các đơn vị bạn và các bác sỹ đang công tác trong lĩnh vực Nhi khoa.
Mở đầu là phần trình bày của BS CKII Nguyễn Thị Tuyết Anh với chuyên đề: “Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch”. Theo BS Tuyết Anh, Giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát (GTCMDNP) là bệnh rối loạn đông máu mắc phải hay gặp nhất trong Nhi khoa, tần suất 3 - 8/100 000/năm. GTCMDNP cấp tính tăng vào mùa đông xuân, xảy ra sau viêm hô hấp trên hoặc nhiễm trùng khác vài tuần, một số ít sau nhiễm Rubella, Sởi, Quai bị… hoặc chủng ngừa virút sống, nam nữ mắc bệnh như nhau. Ngược lại thể mạn tính không bị ảnh hưởng theo mùa, nữ gặp nhiều hơn nam, tuổi thường gặp lớn hơn 7 tuổi và thường có bệnh nền là bệnh lý miễn dịch.
Thông qua chuyên đề, BS Tuyết Anh lưu ý: chẩn đoán loại trừ dựa vào bệnh sử, lâm sàng, phết máu ngoại vi; việc chẩn đoán xác định thì lâm sàng có hội chứng xuất huyết da niêm đơn độc xảy ra đột ngột trên trẻ đang khỏe mạnh, Tiểu cầu đếm < 100 x 109 /L, Phết máu ngoại biên: hình dạng, kích thước các dòng tế bào máu bình thường, giảm dòng tiểu cầu; Tủy đồ: dòng mẫu tiểu cầu tăng sinh hay bình thường, các dòng tế bào khác bình thường; không tìm thấy triệu chứng, dấu hiệu của bệnh khác gây giảm tiểu cầu.
“Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của Corona virus (SARS-CoV-2)” là chuyên đề do BS CKI Nguyễn Thanh Quyền, Q. TK Bệnh nhiệt đới – BV NĐĐN trình bày.
BS Quyền đã chia sẽ tình hình dịch bệnh do Corona virus diễn tiến tại Việt Nam và trên thế giới; Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị theo Quyết định số 322/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Lưu ý về tiêu chuẩn xuất viện như: các triệu chứng lâm sàng cải thiện, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-Quang phổi cải thiện; hai mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau ít nhất 1 ngày) xét nghiệm âm tính với 2019-nCoV. Cũng theo BS Quyền, bệnh do Corona virus hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy chủ yếu chỉ là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Có thể cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng –nguy kịch, áp dụng phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép. Việc phòng ngừa chủ yếu dựa trên đường lây truyền như: giọt bắn (khẩu trang…), tiếp xúc (vệ sinh bàn tay), không khí (khẩu trang N95)… Về đối tượng cách ly, cần phân biệt rõ 3 nhóm đối tượng: Cách ly y tế điều trị (bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV, bệnh nhân dương tính với nCoV); Cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung (quy định tại Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ Y tế); Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú (quy định tại Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ Y tế). Lưu ý một số công văn vừa được ban hành như: Công văn số 694/BYT-DP ngày 16/02/2020 của Bộ Y tế, về việc theo dõi sức khỏe đối với người dân đến từ khu vực đang có dịch; Công văn số 155/KSBT CDC Đồng Nai ngày 24/02/2020 của Sở Y tế Đồng Nai, về việc hướng dẫn cụ thể việc cách ly, quản lý và theo dõi sức khỏe các trường hợp đến từ vùng dịch Covid-2019
Nhằm rút ngắn tối đa thời gian cấp cứu người bệnh - Tối ưu hóa nguồn lực trong cấp cứu, BS Đinh Tấn Phương – TK Cấp cứu BV Nhi đồng 1 đã giới thiệu chuyên đề: “Quy trình Báo động đỏ”.
Mục tiêu cuả chuyên đề nhằm giúp các BS nắm vững được Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện; Thực hiện thành thạo và hiệu quả các tình huống báo động đỏ. Thông qua chuyên đề, BS Phương đã phân tích rõ thành phần, vai trò và trách nhiệm của từng thành viên trong đội Báo động đỏ: trong vòng 5 phút phải có mặt Phẫu thuật viên tổng quát – chỉnh hình, BS gây mê, BS Hồi sức tích cực, Điều dưỡng – Hộ lý cấp cứu, Bác sỹ và Kỹ thuật viên X- Quang, BS siêu âm; Phòng mổ phải sẵn sàng trong vòng 30 phút; Ngân hàng máu sẵn sàng máu cùng nhóm hoặc máu O trong vòng 15 phút.
Về “Quy trình báo động đỏ liên viện” (cần sự hỗ trợ chuyên gia từ BV bạn), Bác sỹ trưởng ê kíp trực có nhiệm vụ: Xác định và kích hoạt báo động đỏ, liên hệ chuyên gia thuộc lĩnh vực liên quan qua số điện thoại cá nhân hoặc liên hệ trực lãnh đạo của bệnh viện cần hỗ trợ qua số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện đó. Bác sỹ trưởng ê kíp trực cần giữ liên lạc liên tục với bác sĩ chuyên gia, để xin ý kiến xử trí khi cần thiết trong thời gian chờ chuyên gia đến hỗ trợ, đồng thời áp dụng Quy trình báo động đỏ nội viện.
Tại các bệnh viện cần có Hệ thống phản ứng nhanh, gồm các bộ phận chính: Bộ phận báo động (identification arm/afferent limb), gồm các khoa có bệnh nhân diễn tiến nặng, cần xử trí; Bộ phận đáp ứng (response team/efferent limb) là đội phản ứng nhanh; Bộ phận cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh (patient safety & quality improvement component); Bộ phận quản lý, điều phối (administrative & governance component) và Đội phản ứng nhanh. Cũng theo BS Phương, sự phối hợp của nhiều chuyên khoa cùng việc chuẩn bị tốt nhất từ các bộ phận chính là chìa khóa của thành công. Dẫn chứng thực tế nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch đã được cứu sống nhờ áp dụng “Quy trình báo động đỏ” đã và đang thực hiện tại BV Nhi đồng 1.
“Hội thảo chuyên đề” với đối tượng bác sỹ hoặc điều dưỡng thường xuyên được tổ chức tại BV NĐĐN. Đến với hội thảo, học viên sẽ có dịp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, được cập nhật những thông tin Y khoa mới nhất, góp phần hỗ trợ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhi.
Mọi thông tin về các buổi Hội thảo được cập nhật trước trên Fanpage Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: @benhviennhidongnai hoặc liên hệ Phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến, điện thoại: 02513.891.500 nhấn 169.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH