Lúc 13 giờ 30 ngày 16/06/2020, tại Hội trường A Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai (BV NĐĐN), Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến đã tổ chức buổi Hội thảo Chuyên đề tháng 06/2020, với các nội dung sau: “Viêm phổi hít phân su” do BSCKII Huỳnh Thị Thanh – Phó khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh trình bày, “Hồi sức hậu phẫu dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa”, Báo cáo viên: ThS BS Vương Doãn Đan Phương – Phó khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức.

Như chúng ta đã biết, sau khi chào đời trẻ sơ sinh sẽ thải phân su trong vài ngày đầu tiên. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh lý gây nên có phân su trong nước ối làm cho trẻ hít phải phân su trước hoặc trong khi sinh. Hội chứng hít phân su (Meconium Aspiration Syndrome: MAS) là tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh được sinh ra Hít nước ối chứa phân su (Meconium-stained Amniotic Fluid: MSAF) vào đường khí phế quản phổi, thường gặp ở trẻ gần đủ tháng hoặc già tháng. Trường hợp nặng có thể có dấu hiệu của Tăng áp lực động mạch phổi (persistent pulmonary hypertension of the newborn: PPHN) ở những giờ sau.

Chuyên đề: “Viêm phổi hít phân su”
 do BSCKII Huỳnh Thị Thanh – Phó khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh trình bày.

Theo BS Thanh, khi hít phải phân su trẻ thường có các biểu hiện nặng như: Suy hô hấp, nhịp tim chậm < 100 lần/phút, cử động yếu, trương lực cơ giảm... Các bác sĩ phải tiến hành hút dịch ối phân su thông qua nội khí quản, mục đích để làm sạch phân su trong đường hô hấp trên và dưới, làm thông thoáng đường thở và cho trẻ thở oxy. Việc điều trị hít phân su cơ bản bao gồm các bước sau: Thở oxy hoặc thở máy nếu xảy ra suy hô hấp nặng, thực hiện liệu pháp thay thế Surfactant, kháng sinh chống nhiễm trùng, điều trị cao áp phổi bằng các phương pháp đặc hiệu. Có thể kết hợp vật lý trị liệu hô hấp, theo dõi và điều trị các biến chứng tràn khí màng phổi, nhiễm trùng bệnh viện... BS Thanh còn lưu ý, cần thực hiện các Xét nghiệm khi nghi ngờ MAS như: X quang phổi để xác định chẩn đoán MAS, Khí máu động mạch để đánh giá tình trạng hô hấp, Siêu âm tim trên bệnh nhi suy hô hấp nặng để loại trừ chẩn đoán bệnh tim cấu trúc và xác định có kèm PPHN. BS Thanh chia sẻ kinh nghiệm điều trị: khi khó phân biệt MAS với Viêm phổi thì nên cấy máu và cấy NTA; bên cạnh đó, điều trị bằng kháng sinh theo kinh nghiệm được bắt đầu trong khi chờ kết quả nuôi cấy.

Chuyên đề: “Hồi sức hậu phẫu dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa”,
Báo cáo viên: ThS BS Vương Doãn Đan Phương – Phó khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức.

Dị tật đường tiêu hoá là một trong những dị tật thường gặp ở trẻ em. Đa số những dị tật này cần phải được can thiệp ngay, nếu không trẻ sẽ tử vong do suy hô hấp. Trong một số trường hợp, tuy không cần can thiệp ngay trong giai đoạn sơ sinh nhưng cần phải mổ nếu không trẻ sẽ tử vong vì các biến chứng của dị tật như tắc ruột, thủng ruột trong các trường hợp phình đại tràng bẩm sinh, hẹp phì đại môn vị hay tắc hoặc teo tá tràng. Với chuyên đề “Hồi sức hậu phẫu dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa”, BS Phương đã giới thiệu các dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ như: Teo thực quản, Hẹp phì đại môn vị, Tắc tá tràng, Thoát vị hoành, Ruột xoay bất toàn, Teo ruột non, Hở thành bụng - thoát vị rốn, Phình đại tràng vô hạch bẩm sinh (Hirschsprung), Dị dạng hậu môn trực tràng… cùng hình ảnh minh họa và hướng điều trị. Thông qua chuyên đề, BS Phương lưu ý những việc cần làm sau hậu phẫu như: hỗ trợ hô hấp, nước - điện giải, chế độ dinh dưỡng, phòng ngừa nhiễm trùng và biến chứng…
Ngày nay, với kỹ thuật siêu âm và chẩn đoán trước sinh, nhiều dị tật bẩm sinh đã được phát hiện ngay trong thời kỳ bào thai, giúp cho các gia đình chủ động hơn trong việc điều trị. Để phòng dị tật bẩm sinh, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị sức khoẻ tốt khi quyết định sinh con. Người mẹ cần tiêm các loại vaccin phòng bệnh trước khi có thai. Trong quá trình mang thai, thai phụ nên thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng để phát hện sớm các bất thường ở thai nhi nếu có, từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và có hướng xử trí kịp thời.

Các Bác sỹ cùng trao đổi tại buổi Hội thảo.

Buổi Hội thảo có sự tham dự của các Bác sỹ, Cử nhân, Dược sỹ, Điều dưỡng trưởng tua đang công tác tại BV NĐĐN, cùng nhiều đồng nghiệp đến từ các đơn vị bạn và các bác sỹ đang công tác trong lĩnh vực Nhi khoa.
“Hội thảo chuyên đề” với đối tượng Bác sỹ hoặc Điều dưỡng thường xuyên được tổ chức tại BV NĐĐN. Đến với Hội thảo, học viên sẽ có dịp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, được cập nhật những thông tin Y khoa mới nhất, góp phần hỗ trợ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhi.
Mọi thông tin về các buổi Hội thảo được cập nhật trước trên Fanpage Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: @benhviennhidongnai hoặc liên hệ Phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến, điện thoại: 02513.891.500 nhấn 169.

Thanh Thuận
T3G  P. CTXH

Đánh giá bài này
(0 bình chọn)
Xem 1254 lần
Bệnh Viện Nhi Đồng Đồng Nai

Tập thể nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, và chuyên môn cao sẵn sàng phục vụ các bệnh nhi.

Mọi thông tin xin liên hệ:
Số điện thoại: 02513.891500 - Nhánh 151

LIÊN KẾT

     

      

benhvien8