Theo BS Quyền, bệnh Bạch hầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc xin. Số liệu được cung cấp bởi Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, khu vực Tây Thái Bình Dương, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hàng năm có trên 13.000 trường hợp bệnh Bạch hầu, đến năm 1990 giảm xuống 1.130 trường hợp và năm 1994 còn 614 trường hợp. Hiện nay, số ca mắc bệnh Bạch hầu hàng năm đã giảm rõ rệt do hiệu quả của việc tiêm phòng Bạch hầu cho trẻ em ở các nước.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh Bạch hầu năm 1985 là 3,95/100.000 dân. Nhờ thực hiện tốt Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nên vào năm 2000 tỷ lệ mắc chỉ còn 0,14/100.000 dân. Năm 2019 toàn quốc có 53 ca mắc bệnh Bạch hầu, trong đó 5 ca tử vong. Tháng 07/2020 khu vực Tây Nguyên có 63 ca mắc Bạch hầu, 03 ca tử vong. Trước tình hình đó, ngày 10/7/2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2957/QĐ-BYT về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu”. Quyết định này đã được BS Quyền triển khai tại buổi tập huấn.
“Cách lấy bệnh phẩm, nuôi cấy, đọc kết quả nuôi cấy vi khuẩn Bạch hầu” là chuyên đề do Cử nhân Hồ Kim Loan – TK Xét Nghiệm trình bày.
Đây là một trong những nội dung mà cán bộ y tế rất quan tâm. Tại buổi tập huấn, CN Loan đã hướng dẫn cách lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu bệnh phẩm theo tài liệu do CDC Đồng Nai cung cấp. Chị còn trình bày một số xét nghiệm thường quy nhằm theo dõi phát hiện biến chứng của bệnh, lưu ý Quy trình gửi mẫu được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Buổi tập huấn còn thu hút sự quan tâm của các học viên với Chuyên đề: “Cập nhật về tiêm chủng Bạch hầu” do BSCKI Ngô Kim Khánh, Khoa Khám bệnh và Điều trị trong ngày trình bày. Hiện nay, ngoài các Vắc-xin phòng bệnh Bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) còn có một số Vắc-xin ngoài chương trình như: Tetraxim (Vắc-xin 4 trong 1 phòng bệnh: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt), Adacel (Vắc-xin phòng Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà), Vắc-xin Boostrix (phòng Bạch hầu - Uốn ván - ho gà), Vắc-xin Td (phòng Uốn ván - Bạch hầu)… Bên cạnh đó, BS Khánh còn chia sẻ những tình huống thường gặp khi trẻ đến tiêm phòng Bạch hầu tại bệnh viện.
Tuy bệnh Bạch hầu là một loại bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, lây lan rất nhanh và thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhưng bệnh có thể phòng ngừa nếu được tiêm chủng đầy đủ Vắc-xin.
Tại BV NĐĐN hiện có thực hiện việc Tiêm chủng mở rộng và các mũi tiêm ngoài chương trình. Người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng liều, đúng thời gian quy định để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Thanh Thuận
T3G - P. CTXH