“Các Quy định liên quan đến phòng chống Covid và các Bệnh đường hô hấp cấp”
BCV: BSCKI Lê Thị Đẹp – TP Quản lý chất lượng, TK Dinh dưỡng.
Trước tình hình dịch bệnh Covid 19, BS Đẹp đã trình bày 2 Lưu đồ tiếp nhận phân luồng ca bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19 ngay vị trí các cổng, tại phòng cấp cứu, khu khám thường và trường hợp nếu bệnh viện khác hoặc CDC chuyển đến... Tất cả các trường hợp và tình huống giả định trên đều đã được diễn tập tại của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Thông qua kịch bản: Quy trình tiếp nhận, xử trí ca bệnh nghi ngờ hoặc viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (Covid-19) tại khoa lâm sàng. Giai đoạn phát hiện ca bệnh, hội chẩn với bác sỹ Khoa Bệnh nhiệt đới, và hướng xử trí tiếp theo khi bệnh nhân đang điều trị nội hoặc cần phẩu thuật-thủ thuật. Cũng theo kịch bản trên, trường hợp bệnh lý ngoại khoa có thể thực hiện tại “Phòng mổ dã chiến” của Khoa Bệnh nhiệt đới hoặc thực hiện tại Phòng mổ của Khoa Phẩu thuật gây mê Hồi sức. BS Đẹp còn thông tin về Nội quy phòng cách ly tạm thời cùng các Tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (gồm 8 chương, 37 tiêu chí, tối đa 150 điểm). Qua đó, phân tích cụ thể những điểm mà bệnh viện đạt và không đạt theo tiêu chí trên, nhằm giúp nhân viên toàn viện có một cái nhìn thực tế về hoạt động của bệnh viện trong mùa Covid.
Buổi Hội thảo liên tục với chuyên đề định kỳ: “Giấc ngủ liên quan sự phát triển trẻ em”. Theo BS Đẹp, giấc ngủ tốt bao gồm: Thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ… Tất cả sẻ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, đặc biệt đối với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Thông qua chuyên đề, BS Đẹp còn chia sẻ một số vấn đề liên quan đến giấc ngủ trẻ sơ sinh như: Làm sao tập trẻ có thói quen ngủ lành mạnh… Bởi việc tập cho trẻ có thói quen ngủ tốt sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn như: tư thế nằm, tránh để bé nóng quá, giữ yên tĩnh hoặc dùng “Đồ vật thân thương”… Lưu ý dinh dưỡng và giấc ngủ trẻ, bởi trẻ ăn “No” thì mới ngủ “ Ngon”.
“Phòng ngừa và dự phòng sau phơi nhiễm” (Quyết định số 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019 của Bộ Y tế) là chuyên đề do CN Đồng Thị Lan trình bày.
Như chúng ta đã biết phơi nhiễm trong môi trường nghề nghiệp là phơi nhiễm xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nguồn phơi nhiễm HIV phổ biến nhất là máu. Các dạng phơi nhiễm như: Do kim đâm (tiêm truyền, lấy máu, chọc dò…), vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu/dịch cơ thể của người bệnh, hoặc tổn thương qua da do các ống đựng máu/dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào. CN Lan còn lưu ý: thực hành tiêm an toàn, phòng ngừa phơi nhiễm, những hành vi nguy cơ liên quan đến tiêm… Phòng ngừa chuẩn làm giảm tối thiểu phơi nhiễm với máu bằng 5 cách: sử dụng các hàng rào bảo vệ, vệ sinh tay, thực hành tiêm an toàn, kiểm soát môi trường máu & dịch cơ thể, quản lý các vật sắc nhọn. Kỹ thuật “một tay” để đậy nắp kim. Các vật thải sắc nhọn phải được hủy đúng cách… đã được hướng dẫn cụ thể tại buổi hội thảo.
Chuyên đề của chị còn thu hút với một nội dung như: 7 bước xử lý sau phơi nhiễm, năm bước dự phòng lây nhiễm lao tại cơ sở điều trị HIV, các nguyên tắc & thực hành phòng ngừa chuẩn, dự phòng sau phơi nhiễm…
“Viêm phổi do vi khuẩn không điển hình” là chuyên đề do BSCKII Phạm Thị Thu Thủy - TK Hô hấp 2 trình bày. Theo BS Thủy, Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi, nguyên nhân thường gặp là phế cầu.
Ngày nay, vi khuẩn được gọi là không điển hình nếu chúng khó phát hiện bằng các phương pháp tìm vi khuẩn thông thường. Nhận biết được Viêm phổi do các tác nhân này rất quan trọng vì nhiều bệnh viện chưa làm được các xét nghiệm này. Những vi khuẩn “không điển hình” gồm: Chlamydia pneumoniae, Chlamydia psittaci, Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae, Rickettsia… Trong đó, M.pneu và C.pneu chiếm 40% các tác nhân gây Viêm phổi không điển hình ở trẻ em. Theo chia sẻ của BS Thủy, M.pneu và C.pneu là 2 vi khuẩn không điển hình thường gây Viêm phổi. Triệu chứng thường khởi phát từ từ, không nặng. Không có triệu chứng lâm sàng, Xquang đặc hiệu giúp chẩn đoán. Vì vậy, điều trị theo kinh nghiêm là chủ yếu.
“Hội thảo chuyên đề” thường xuyên được tổ chức tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Đến với Hội thảo, học viên sẽ có dịp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, được cập nhật những thông tin Y khoa mới nhất, góp phần hỗ trợ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhi.
Mọi thông tin về các buổi Hội thảo được cập nhật trước trên Fanpage Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: @benhviennhidongnai hoặc liên hệ Phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến, điện thoại: 02513.891.500 nhấn 169.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH