Lúc 13 giờ 30 ngày 14/7/2022, tại Hội trường A Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai (BV NĐĐN), Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Chỉ đạo tuyến đã tổ chức buổi Hội thảo Chuyên đề tháng 7/2022, với các nội dung sau: “Tật khúc xạ” – Báo cáo viên: BSCKI Bùi Thị Nga, Phó Khoa Mắt; “Kiểm soát nhiễm khuẩn trong khám và chữa bệnh răng miệng” do CN Nguyễn Thị Hoan – Phó Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn trình bày; “Vitamin và khoáng chất”, báo cáo viên: BSCKI Ma Va Liên – Phó Khoa Dinh dưỡng.

Mở đầu là phần trình bày của BSCKI Bùi Thị Nga với chuyên đề: “Tật khúc xạ”. Theo BS Nga, “Tật khúc xạ” là hiện tượng rối loạn mắt phổ biến, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, công tác cũng như các sinh hoạt thông thường hàng ngày và là nguyên nhân khiến thị lực giảm ở cả người già và người trẻ. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa tăng độ và bảo vệ tầm nhìn sáng, rõ. Thông qua chuyên đề, BS Nga đã trình bày các nội dung sau: Cấu tạo quang học của mắt, Sự điều tiết của mắt, Phân loại tật khúc xạ, Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.
Cũng tại buổi hội thảo, BS Nga còn chia sẻ về việc đeo kính áp tròng ban đêm trong việc điều trị tật khúc xạ không phẫu thuật đang được áp dụng hiện nay. BS Nga thông tin: Kính được đặt vào mắt ngay tối trước khi đi ngủ, lấy ra khi thức dậy vào buổi sáng và thay thế các phương pháp sử dụng kính khác vào ban ngày. Người có tật khúc xạ đeo kính áp tròng ban đêm, cùng với lực tác động của mi mắt khi nhắm mắt ngủ có tác dụng tạo khuôn nhẹ làm thay đổi độ cong của giác mạc trong một thời gian vào ban ngày. Đây là phương pháp có khả năng khống chế được mức độ tiến triển của tật cận thị. Người cận thị không còn lệ thuộc vào kính gọng hoặc kính áp tròng trong sinh hoạt thường ngày cũng như làm giảm sự tiến triển của tật cận thị. Mắt bị cận thị nhưng không muốn đeo kính gọng và chưa tới tuổi để phẫu thuật LASIK, không muốn mổ LASIK… thì kính áp tròng ban đêm điều chỉnh tật khúc xạ là một tham khảo lựa chọn.

“Kiểm soát nhiễm khuẩn trong khám và chữa bệnh răng miệng” là chuyên đề do CN Nguyễn Thị Hoan – PK Kiểm soát nhiễm khuẩn trình bày. Chuyên đề gồm các nội dung sau: Hướng dẫn các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh (KBCB) răng miệng; Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), bảo đảm an toàn cho người bệnh (NB), nhân viên và cộng đồng.
Với đặc thù trong KBCB răng miệng: không gian làm việc chật hẹp, can thiệp thủ thuật, kỹ thuật trong KBCB răng miệng luôn tiếp xúc với máu, chất tiết của người bệnh (NB), nhiều dụng cụ nhỏ, sắc nhọn khó làm sạch và dễ gây vết thương, làm tăng nguy cơ lây truyền. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác KSNK trong các cơ sở KBCB răng miệng. Do đó, việc áp dụng phòng ngừa chuẩn (PNC) là rất cần thiết. Bên cạnh PNC, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền cũng cần được áp dụng để ngăn chặn khả năng lây truyền của các tác nhân gây bệnh ở cả người bệnh và nhân viên KCB răng miệng đang mắc một hoặc nhiều bệnh nhiễm khuẩn (ví dụ: lao, cúm, thủy đậu…). Những tác nhân gây bệnh này có thể lây truyền qua đường không khí, đường giọt bắn, đường tiếp xúc thông qua hắt hơi, ho hay các hành vi nói chuyện hoặc tiếp xúc đụng chạm qua da. Thông qua chuyên đề, CN Hoan đã lưu ý một số hướng dẫn và khuyến cáo từ Bộ y tế như: Biện pháp thực hành Kiểm soát nhiễm khuẩn; Quy trình vệ sinh tay ngoại khoa; Quy trình xử lý dụng cụ tại khoa lâm sàng; Quản lý chất thải trong nha khoa; Quản lý đồ vải; Quản lý chất lượng nước; An toàn cho nhân viên y tế; Các biện pháp hành chính về kiểm soát nhiễm khuẩn…

Chuyên đề “Vitamin và khoáng chất” do BSCKI Ma Va Liên – Phó Khoa Dinh dưỡng trình bày. Nội dung chuyên đề gồm: Nguyên nhân gây thiếu Vitamin; Phân loại Vitamin; Chức năng và hậu quả của sự thiếu hụt một số loại vitamin; Một số khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam; Nhu cầu khuyến
nghị calci cho người Việt Nam; và lưu ý Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện theo Quyết định 2879/QĐ-BYT ngày 10/8/2006 của Bộ Y tế.
“Hội thảo chuyên đề” với đối tượng Bác sỹ hoặc Điều dưỡng thường xuyên được tổ chức tại BV NĐĐN. Đến với Hội thảo, nhân viên sẽ có dịp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, được cập nhật những thông tin Y khoa mới nhất, góp phần hỗ trợ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhi.
Mọi thông tin về các buổi Hội thảo được cập nhật trước trên Website, Fanpage Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: @benhviennhidongnai hoặc liên hệ Phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến, điện thoại: 02513.891.500 nhấn 169.

Thanh Thuận
T3G  P. CTXH

Chỉnh sửa lần cuối vào Friday, 29 July 2022 08:10
Đánh giá bài này
(1 Bình chọn)
Xem 389 lần
Bệnh Viện Nhi Đồng Đồng Nai

Tập thể nhân viên Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, với tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, và chuyên môn cao sẵn sàng phục vụ các bệnh nhi.

Mọi thông tin xin liên hệ:
Số điện thoại: 02513.891500 - Nhánh 151

LIÊN KẾT

     

      

benhvien8