Mở đầu là phần trình bày của ThS BS Bùi Thanh Liêm - Bộ môn Nhi - Đại Học Y Dược TP.HCM với chuyên đề: “Tiếp cận chẩn đoán và xử trí ban đầu sốc ở trẻ em”. Theo BS Liêm, Sốc là hội chứng đặc trưng bởi giảm tưới máu và giảm cung cấp oxy ở mô, gây mất cân bằng tỉ lệ cung – cầu oxy mô. Bệnh lý thường gặp trong hồi sức cấp cứu, tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Tại buổi hội thảo, BS Liêm đã đưa ra các biện pháp nhằm xử trí ban đầu sốc ở trẻ như: cụ thể hóa phác đồ rõ ràng, tăng cường huấn luyện thành thạo kỹ năng, thao tác kỹ thuật nâng cao đi đôi với trang bị các phương tiện hồi sức hiện đại và đặc biệt là giám sát chặt chẽ việc tuân thủ phác đồ điều trị để điều chỉnh kịp thời nhằm cứu sống nhiều hơn nữa bệnh nhi sốc nhiễm trùng. BS Liêm còn lưu ý Sơ đồ chẩn đoán và xử trí phản vệ (Ban hành kèm theo thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Chuyên đề đã được BS Liêm trình bày ngắn gọn, súc tích với đầy đủ các nội dung sau:
1. Dùng PAT để nhận diện bệnh nhi sốc và xử trí ngay.
2. Thực hiện can thiệp ngay trước khi hỏi bệnh sử và khám chi tiết.
3. Hỏi bệnh sử và khám dựa trên 5 nhóm nguyên nhân chính.
4. Trong quá trình điều trị phải thường xuyên đánh giá lại bệnh nhi.
5. Không quên gọi giúp đỡ khi cần thiết.
6. Đảm bảo chuyển viện an toàn cho bệnh nhi bị sốc.
Trong mùa dịch Sốt xuất huyết (SXH), tại một số bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp SXH ở trẻ sơ sinh. Bệnh diễn tiến khá phức tạp, rất dễ trở nặng, khó dự kiến thời gian xuất hiện sốc cũng như khó tiên lượng kết quả điều trị. Vì vậy, Chuyên đề “Sốt xuất huyết sơ sinh” do BS CKII Huỳnh Thị Thanh trình bày đã thu hút sự chú ý lắng nghe của các đồng nghiệp đến tham dự hội thảo.
Theo BS Thanh, Sốt xuất huyết sơ sinh lây truyền theo 2 đường: Truyền dọc (từ mẹ sang con), Truyền ngang: qua đường muỗi đốt. Bệnh lây nhiễm từ mẹ sang con trong tử cung xảy ra ở giai đoạn mà nồng độ ở mẹ cao nhất (giai đoạn mẹ sốt). Mẹ có virus Dengue trong máu (do mắc bệnh SXH) trong vòng 10 ngày trước khi sinh con có thể truyền virus cho trẻ. Về đặc điểm lâm sàng: Truyền dọc tương tự truyền ngang. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào tiền sử bệnh của mẹ và kết quả kháng nguyên NS1 hoặc kháng thể IgM Dengue. Test NS1 là xét nghiệm hữu ích cho giai đoạn đầu SXH (3 ngày đầu) ở trẻ sơ sinh. Chẩn đoán phân biệt thường gặp: Nhiễm trùng huyết sơ sinh, Giảm tiểu cầu miễn dịch. Hiện không ghi nhận Hội chứng sốc Dengue ở trẻ sơ sinh. Nội dung trình bày của BS Thanh được dẫn chứng cụ thể qua 2 Bệnh án tại K. HSTC SS – BV NĐĐN so sánh với các trường hợp đã điều trị tại BVNĐ 2 TP.HCM.
Bệnh Sốt xuất huyết sơ sinh nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra những biến chứng đe dọa tính mạng trẻ như: suy tạng nặng, suy gan cấp, rối loạn tri giác (xuất huyết não), viêm cơ tim, suy tim, xuất huyết nặng trong cơ và nội tạng dẫn đến đông máu rải rác trong lòng mạch máu… Vì vậy, việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng, theo dõi sát là hết sức cần thiết và quan trọng.
“Hội thảo chuyên đề” với đối tượng Bác sỹ hoặc Điều dưỡng thường xuyên được tổ chức tại BV NĐĐN. Đến với Hội thảo, học viên sẽ có dịp trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, được cập nhật những thông tin Y khoa mới nhất, góp phần hỗ trợ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhi.
Mọi thông tin về các buổi Hội thảo được cập nhật trước trên Website, Fanpage Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: @benhviennhidongnai, hoặc liên hệ Phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến, điện thoại: 02513.891.500 nhấn 169.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH