Theo BS Tuyết Anh, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) týp 1 – phụ thuộc insulin là dạng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh thường biểu hiện với các triệu chứng: trẻ thường ăn nhiều, đi tiểu nhiều, khát nước dữ dội, sụt cân nhanh, hay mệt mỏi,.. Nếu không được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, trẻ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng: hôn mê, nhiễm ceton,.. đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, bệnh ĐTĐ tuýt 1 còn gây ra các biến chứng khác như: tăng khả năng mắc các bệnh về tim mạch, suy thận, mờ mắt, loét bàn chân…
Bên cạnh đó, bệnh ĐTĐ týp 2 (không phụ thuộc insulin) thường có mối liên hệ với chứng thừa cân, béo phì bởi lối sống thiếu cân bằng và chứng ăn uống không điều độ gây nên. Nguyên nhân thường do nhận thức của những bậc phụ huynh quá cưng chiều con. Đã có không ít trường hợp khi trẻ đến khám trong tình trạng thừa cân, béo phì, có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ týp 2 nhưng cha mẹ vẫn cho rằng trẻ lười ăn. Việc điều trị cho trẻ ĐTĐ týp 2 không hề đơn giản, vì ngoài việc dùng thuốc người bệnh còn phải thực hiện chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt, mà việc ăn kiêng với trẻ thì vô cùng khó khăn, cho nên việc tạo lập ý thức về bệnh cho trẻ không dễ.
Thông qua buổi truyền thông, BS Tuyết Anh còn khuyến cáo quý phụ huynh cần xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ như: hạn chế đồ ăn ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo, nên ăn nhiều rau xanh, củ quả; khuyến khích trẻ vận động thể lực, luyện tập thể dục thể thao,… Nếu trẻ đã mắc bệnh ĐTĐ thì cần phải theo dõi đường huyết thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc đúng hướng dẫn, đúng liều lượng và thời gian.
ĐTĐ là bệnh mạn tính, cần điều trị trong thời gian dài, nếu phòng và điều trị bệnh tốt trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có các biểu hiện bất thường về sức khỏe quý phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra.
T3G Phòng CTXH.