Hiện nay, tại Việt Nam người khuyết tật chiếm khoảng 6% dân số, trong đó trẻ em khuyết tật chiếm 40% và phần lớn trong số này là những khuyết tật bẩm sinh. Theo CN Phong, khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, hoặc bị suy giảm chức năng, biểu hiện dưới các dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Có nhiều nguyên nhân gây khuyết tật ở trẻ như: Yếu tố nguy cơ trước sinh (mẹ nhiễm vi rút: Cúm, Rubella, Zona … khi mang thai; mẹ mắc bệnh tim, tiểu đường… hoặc bất đồng nhóm máu mẹ con); Yếu tố nguy cơ trong sinh: đẻ non dưới 37 tuần, cân nặng dưới 2.500g, đẻ khó, ngạt… Các dị tật bẩm sinh như: tật đầu nhỏ, não úng thủy…; Yếu tố nguy cơ sau khi sinh: sốt cao co giật, suy hô hấp nặng, vàng da bệnh lý, viêm não - màng não và một số nguyên nhân khác. Trọng tâm của vấn đề đó là hậu quả của khuyết tật: làm mất khả năng độc lập, bị phụ thuộc vào người khác, không có vị trí trong gia đình và cộng đồng, bị phân biệt đối xử… Không những thế, người khuyết tật còn là gánh nặng đối với gia đình cả về vật chất và tinh thần.
Trước những nguy cơ và hậu quả của khuyết tật, CN Phong đã lưu ý về cách phòng ngừa khuyết tật: nên tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, luôn phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé… Để hạn chế thấp nhất những hậu quả do các dị tật bẩm sinh, các bà mẹ nên thực hiện khám thai định kỳ để phát hiện sớm những khuyết tật bẩm sinh nếu có hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.
Phần cuối của buổi truyền thông, CN Phong đã chia sẻ một số hình ảnh, kỹ thuật điều trị, hướng dẫn một số kỹ thuật tập vật lý trị liệu đi kèm dụng cụ hiện đang thực hiện tại BV NĐĐN.
Thanh Thuận
T3G P. CTXH