Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra khuyến cáo: các phân tử nhựa đang tồn tại trong đất, nước và môi trường sống gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới phân hủy hết.
Chất thải nhựa tại các bệnh viện khá nhiều như: túi ni lông, hộp xốp, nước đóng chai, vỉ thuốc, chai truyền dịch… với khối lượng lên đến 82.169 kg/năm. Đa số chất thải nhựa trong bệnh viện là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Để góp phần giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường nói chung và môi trường bệnh viện nói riêng; đại diện Ban Chủ nhiệm các khoa/phòng đã ký cam kết với Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai về việc thực hiện các nội dung sau:
1. Từng bước thay thế túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng 01 lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường phục vụ khách hàng, người tiêu dùng trong cơ sở y tế.
2. Có cơ chế khuyến khích khách hàng mang theo túi, làn hoặc vật dụng thân thiện môi trường để đựng hàng khi đi mua sắm tại siêu thị, cửa hàng trong cơ sở y tế.
3. Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa tại đơn vị.
4. Triển khai các giải pháp phù hợp khác về giảm thiểu chất thải chất thải nhựa tại đơn vị.
Thanh Thuận